Ba tháng trước, tôi gọi điện cho vị giám đốc một sở của Đà Nẵng để xác minh thông tin khi viết loạt bài về nhân tài nghỉ việc. Các cuộc gọi từ sáng đến chiều luôn nhận được trạng thái báo “bận” ở đầu bên kia. Tôi thử gọi từ một số điện thoại khác thì vị này nghe máy. Tôi biết ông đã chặn số của mình.
Nhớ mình đã kết bạn với ông trên Facebook, tôi quyết định gửi tin nhắn. Có lẽ bởi không thể im lặng mãi trước năm dòng tin nhắn khi đang online, vị giám đốc giải thích lý do rằng "số lạ nên không nghe". Không còn đặt nặng chuyện lấy thông tin nữa, tôi kiên trì với câu hỏi "Vì sao ông chặn số phóng viên"; và rằng, "nếu tôi làm ông mất lòng sao ông không nói thẳng". Nhưng tôi cũng chỉ nhận được câu trả lời vòng vo.
Trách nhiệm phát ngôn về việc sử dụng nhân tài của sở sau đó được đẩy xuống cho chánh văn phòng. Tôi được yêu cầu gửi câu hỏi cho họ qua văn bản. Ba ngày sau kết quả nhận lại chỉ là những con số khô khan cho có. Đó là chưa kể, trước đó sở này đã bị Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa phê bình về việc để cho nhiều “nhân tài” nghỉ việc.
Làm báo ở Đà Nẵng đã tám năm, đó không phải là lần đầu tôi bị chặn số từ những giám đốc sở - chính là những người được giao quyền phát ngôn trong lĩnh vực mình phụ trách. Việc những người phát ngôn với công chúng chặn số điện thoại của nhà báo khiến tôi không thể hiểu, nếu người dân muốn liên lạc trực tiếp với các vị đó sẽ phải làm cách nào.
Đà Nẵng dường như đi đầu cả nước trong việc công khai số điện thoại, email của chủ tịch, bí thư để lắng nghe phản ánh của dân. Không có thống kê bí thư, chủ tịch thành phố phải tiếp bao nhiêu cuộc điện thoại hay email của dân một ngày, mọi việc được giải quyết ra sao, nhưng đã có nhiều dự án, như trồng sim trên bán đảo Sơn Trà, hay làm lắp cống hình con cá mà người dân hiến kế đã được lãnh đạo thành phố cho thí điểm.
Việc đối thoại đa chiều giữa chính quyền và người dân tưởng như mang lợi ích hiển nhiên. Nhưng hóa ra vẫn có nhiều cán bộ công khai thể hiện nỗi sợ phải nghe ý kiến từ xã hội, từ nhân dân.
Thời gian qua, Đà Nẵng trở thành điểm nóng bởi hàng loạt cán bộ “dính chàm”. Trên mạng xã hội, người ta đặt nhiều nghi vấn về tài sản của lãnh đạo, rồi những người liên quan đến đến ông Vũ “nhôm”... Trong buổi làm việc với Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng tuần rồi, nhiều lãnh đạo sở, ngành nói họ lo ngại những thông tin lan truyền trên mạng ảnh hưởng đến uy tín cán bộ cũng như hình ảnh của thành phố.
Bí thư Trương Quang Nghĩa đã lập tức chỉ ra tâm lý của nhiều cán bộ, rằng nhiều người đang "sợ mạng xã hội", dẫn đến thực tế nhiều thông tin người dân phản ánh trên mạng xã hội nhưng cán bộ không biết. Vị Bí thư 60 tuổi nêu quan điểm: Cán bộ phải dùng mạng xã hội để biết người dân, dư luận đang nói gì.
Thực tế, nhiều lãnh đạo cấp sở ở Đà Nẵng đang sử dụng mạng xã hội. Nhưng những gì tôi thấy một vị có trọng trách đưa lên trang cá nhân chỉ là những câu chuyện phiếm, thay vì thông tin người dân cần là những chính sách mới, hay những tương tác về các vấn đề nóng đang diễn ra ở lĩnh vực vị này phụ trách.
Trách nhiệm của cán bộ là giúp dân hiểu, biết chính quyền đang làm gì, giải thích cho những khúc mắc của những người đóng thuế. Nếu trên mạng xã hội lưu truyền những thông tin tiêu cực về chính quyền, thì chính các vị mang trọng trách phải là người đối mặt đầu tiên, trả lời sòng phẳng với nhân dân, ngăn chặn mâu thuẫn biến thành xung đột.
Trang fanpage “Quản lý đô thị Đà Nẵng: Tiện nghi - xanh - sạch - đẹp” đã có hơn 72 nghìn thành viên. Họ chính là những chiếc “camera di động” phủ khắp thành phố, sẵn sàng "báo lỗi" mọi vấn đề từ xe biển xanh đậu vào vạch xe bus, đến công trình xả thải ra biển gây ô nhiễm... Thành phố từng giao nhiệm vụ cho một nhóm cán bộ tương tác với dư luận trong nhóm này và nó từng hoạt động hiệu quả. Nhưng gần đây, những phản ánh của người dân dường như bị phớt lờ. Bí thư Trương Quang Nghĩa đã thẳng thắn đặt câu hỏi: "Bao nhiêu lãnh đạo sở, ngành ngồi họp ở đây vào xem thông tin trên nhóm này?"
Sự né tránh mạng xã hội, né những cuộc điện thoại, né những chất vấn của những người làm công tác quản lý trong bộ máy hành chính công không đơn giản chỉ là không muốn thấy, không muốn biết dư luận nói gì về mình, mà là sự né tránh trách nhiệm.
Đúng là công việc sẽ mang đến cho họ rất nhiều áp lực: những lời khó nghe, những cáo buộc, những chỉ trích có lý hay vô lý đến dồn dập. Điều đó, với một con người bình thường, xứng đáng là một “nỗi sợ” như cách mô tả của bí thư Nghĩa. Nhưng người dân luôn mong những người mình đã giao trọng trách, ngay cả giữa tâm bão dư luận, vẫn có thể hành xử sòng phẳng theo kiểu “cây ngay không sợ chết đứng”.
Bởi vì nếu cán bộ cứ sợ mạng xã hội, thì người dân rồi sẽ sợ cán bộ. Người dân sẽ đặt câu hỏi rằng có điều gì khiến ngay cả những cán bộ không có sai phạm, chưa hề tì vết cũng rón rén không dám nghe, dám thấy, dám nói chuyện sòng phẳng với mình? Đó là một câu hỏi đáng sợ.
Nguyễn Đông