Chữ chạy

"Con đường đến với tri thức không dễ dàng, nhưng nếu chúng ta quyết đi sẽ đến được bến bờ tri thức !". Chào mừng các bạn đến với trang thông tin của Võ Hoàng Tâm - GV Khoa Điện Điện tử - Trường Đại học SPKT Vĩnh Long. Trang cung cấp thông tin - tài liệu học tập cho các bạn học viên và sinh viên. Chúc các bạn thành công trên hành trình đi tìm tri thức ...

Khí hậu Châu Âu sẽ ngày càng giống Việt Nam nếu lượng CO2 tiếp tục tăng

Theo đà phát thải CO2 hiện nay, người dân Châu Âu có thể sẽ sớm phải học cách sống chung với khí hậu nhiệt đới quanh năm nóng ẩm như đã từng xảy ra cách đây 50 triệu năm trước.
Châu Âu đang phải trải qua đợt nắng nóng kỷ lục và nếu thế giới không thể giảm thiểu lượng phát thải CO2 ra môi trường, lục địa già này có nguy cơ sẽ phải sống chung với khí hậu nhiệt đới như đã từng xảy ra cách đây 50 triệu năm trước.
 Châu Âu sẽ chuyển sang khí hậu nhiệt đới nếu lượng phát thải CO2 tăng cao.
Theo nhóm nghiên cứu từ Đại học Bristol, Anh Quốc, khí hậu nhiệt đới có thể sẽ trở thành đặc trưng của Châu Âu vào cuối thế kỷ này nếu lượng phát thải CO2 vẫn tiếp tục tăng như hiện nay.
Để đưa ra kết luận này, nhóm nghiên cứu đã tìm hiểu các điều kiện tự nhiên của Trái Đất trong giai đoạn đầu tiên của kỷ Paleogene, cách đây khoảng 56-48 triệu năm về trước.
Trong thời gian này, nồng độ CO2 của Trái Đất cũng tương tự lượng phát thải khí nhà kính của con người dự báo tính tới cuối thế kỷ 21. Bên cạnh đó, đặc trưng khí hậu và tác động của CO2 trong kỷ Paleogene cũng dấy lên mối quan ngại lớn.
Dựa theo phân tích hóa thạch bùn cổ đại, các nhà khoa học có thể ước tính được nhiệt độ trong giai đoạn cách đây khoảng 50 triệu năm trước.
Tiến sĩ David Naafs, một nhà khoa học Trái Đất thuộc ĐH. Bristol chia sẻ: "Chúng tôi biết rằng khí hậu đặc trưng của kỷ Paleogene là dạng khí hậu chịu sự tác động của khí nhà kính với hàm lượng CO2 cao trong khí quyển. Phần lớn các ước tính nhiệt độ của kỷ Paleogene trước đây đều chỉ thu thập từ đại dương, không phải mặt đất. Tuy nhiên nghiên cứu này đã phần nào trả lời chính xác về độ ấm của bề mặt đất trong kỷ Paleogene".
Nhóm nghiên cứu phát hiện thấy, nhiệt độ mặt đất hàng năm ở Tây Âu và New Zealand thời xưa dao động từ 23-29 độ C, cao hơn nhiều so với tưởng tượng trước đây. Mức nhiệt độ này thậm chí cao hơn từ 10-15 độ C so với mức trung bình hiện nay.
 Những sóng nhiệt khổng lồ bao trùm Châu Âu trong mùa hè năm 2018.
Nếu những điều kiện tương tự kỷ Paleogene xuất hiện trong vài năm tới, cụ thể lượng CO2 trong khí quyển tăng mạnh, hậu quả sẽ rất khôn lường.
Giáo sư Rich Pancost, một trong đồng tác giả nghiên cứu cho biết: "Công việc của chúng tôi là cung cấp những bằng chứng cho thấy, khí hậu sẽ trở nên rất nóng vào cuối thế kỷ này do tác động của CO2 trong khí quyển".
Sóng nhiệt trong nhiều tuần trở lại đây ở Châu Âu có lẽ là lời cảnh báo sớm cho người dân nơi đây. Không chỉ khiến thời tiết trở nên ngột ngạt, nóng bức hơn khiến nhiều người tử vong, tình trạng nắng nóng gay gắt còn gián tiếp ảnh hưởng tới các hoạt động nông nghiệp và thói quen sinh sống của nhiều loài động vật hoang dã ở Châu Âu.
Hàng trăm người có thể sẽ chết do tác động của tình trạng nhiệt độ tăng cao.
Một nhóm chuyên tại Anh cảnh báo, hàng trăm người có thể sẽ chết do tác động của tình trạng nhiệt độ tăng cao. Cũng theo báo cáo của Ủy ban kiểm tra Môi trường Anh, số ca tử vong do nhiệt độ cao có thể sẽ tăng gấp 3 lần vào giữa thế kỷ 21.
Giới khoa học nhận định, số lượng các đợt sóng nhiệt tăng gấp đôi hiện nay có mối liên hệ chặt chẽ với hiện tượng biến đổi khí hậu do con người gây ra.
Nghiên cứu đã được đăng tải trên tạp chí Nature Geoscience mới đây và nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng dân cư tại Châu Âu.
Theo Trí Thức Trẻ