Kính viễn vọng tại Tây Ban Nha ghi lại hình ảnh hai thiên thạch nhỏ đâm xuống Mặt Trăng cách nhau khoảng 24 tiếng.
Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) công bố video các chớp sáng xuất hiện trên vệ tinh tự nhiên của Trái Đất do va chạm với thiên thạch hôm 17 và 18/7, Space đưa tin. Chớp sáng có thể được quan sát từ Trái Đất bằng thiết bị nhưng thực chất các thiên thạch này rất nhỏ. Chúng đến từ mưa sao băng Alpha Capricornids và có thể kích thước chỉ tương đương quả óc chó, các chuyên gia nhận định.
Thiên thạch này có kích thước chỉ tương đương quả óc chó.
Mặt Trăng "đón" hai thiên thạch này khi di chuyển qua phần đuôi của sao chổi 169P/NEAT. "Trong ít nhất 1.000 năm, con người đã chứng kiến những hiện tượng ngắn ngủi xảy ra trên bề mặt Mặt Trăng. Về bản chất, các chớp sáng chỉ xuất hiện giây lát này rất khó nghiên cứu. Việc xác định nguyên nhân gây ra chúng vẫn là thử thách", đại diện ESA cho biết.
Các nhà khoa học đang chú trọng nghiên cứu những hiện tượng ngắn diễn ra trên Mặt Trăng tương tự. Chúng không chỉ giúp giới nghiên cứu thu được thông tin về Mặt Trăng và quá khứ mà còn hiểu thêm về Trái Đất và tương lai của hành tinh xanh, theo ESA.
Hình ảnh lần này do kính viễn vọng thuộc Hệ thống Phân tích và Phát hiện Va chạm trên Mặt Trăng (MIDAS) tại Tây Ban Nha ghi lại. Hệ thống được trang bị camera độ phân giải cao để có thể thu nhận những chớp sáng yếu. Chớp sáng như vậy sẽ dễ phát hiện hơn nếu xuất hiện trong nguyệt thực toàn phần.
Hiện tượng này còn giúp giới khoa học hiểu thêm về các va chạm với thiên thạch ở những nơi khác trong hệ Mặt Trời. "Nhờ nghiên cứu thiên thạch trên Mặt Trăng, chúng ta có thể xác định số lượng và mức độ thường xuyên xảy ra va chạm, từ đó suy ra xác suất va chạm với Trái Đất", Jose Maria Madiedo, thành viên tại MIDAS, nhà nghiên cứu thiên thạch tại Đại học Huelva, cho biết.
Theo VNE