Chữ chạy

"Con đường đến với tri thức không dễ dàng, nhưng nếu chúng ta quyết đi sẽ đến được bến bờ tri thức !". Chào mừng các bạn đến với trang thông tin của Võ Hoàng Tâm - GV Khoa Điện Điện tử - Trường Đại học SPKT Vĩnh Long. Trang cung cấp thông tin - tài liệu học tập cho các bạn học viên và sinh viên. Chúc các bạn thành công trên hành trình đi tìm tri thức ...

Nói đến điện tử là nói đến tính khuếch đại tín hiệu của các transistor

Transistor là linh kiện thuộc nhóm tích cực, nó có tính khuếch đại, khi nói đến tính khuếch đại phải hiểu là tính làm cho công suất ngả ra của một tín hiệu phải lớn hơn công suất ngả vào. Chúng ta biết, công suất của tín hiệu tính theo công thức: P = V x I.

* Vậy công suất ngả vào sẽ là: Pin = Vin x Iin

* Và công suất ngả ra sẽ là: Pout = Vout x Iout

Mạch khuếch đại sẽ luôn phải cho: Pout  >>  Pin . Ở đây chúng ta thấy có 3 trường hợp:

Trường hợp 1: Pout  >>  Pin  là do: Vout >>  Vin   và  Iout  >>  Iin . Đây là kiểu khuếch đại vừa cho độ lợi điện áp vừa cho độ lợi dòng điện. Với transistor, kiểu mạch khuếch đại mà tín hiệu cho vào chân B lấy ra trên chân C sẽ thuộc trường hợp này.

Trường hợp 2: Pout >>  Pin  là do: Vout  >>  Vin  và Iout  gần bằng Iin  . Đây là kiểu khuếch đại có độ lợi điện áp, không có độ lợi về dòng điện. Với transistor, kiểu mạch khuếch đại mà tín hiệu cho vào chân E và lấy tín hiệu ra trên chân C thuộc trường hợp này.

Trường hợp 3: Pout >> Pin  là do: Vout gần bằng Vin  , trong khi Iout  >>  Iin . Đây là kiểu khuếch đại có độ lợi về dòng không có độ lợi về điện áp. Với transistor, kiểu mạch khuếch đại mà tín hiệu cho vào chân B và lấy tín hiệu ra trên chân E thuộc trường hợp này.


Bạn có thể hỏi làm sao để biết được mạch khuếch đại dùng transistor làm việc theo kiểu chân nào chung. Bạn cứ nhìn tín hiệu vào và tín hiệu ra là sẽ biết chân còn lại được dùng làm chân chung. Và hơn nữa chân chung thường có dùng tụ điện cho nối masse.

* Nếu tín hiệu cho vào chân B và lấy ra trên chân C, chúng ta có kiểu khuếch đại E chung.

Kiểu khuếch đại E chung, cho độ lợi công suất rất tốt. Nó có độ lợi điện áp và cả độ lợi dòng điện. Tín hiệu ngả vào và ngả ra đảo pha. Trở kháng ngả vào trung bình, trở kháng ngả ra lớn. Kiểu khuếch đại được dùng rất phổ biến.

* Nếu tín hiệu cho vào chân B và lấy ra trên chân E, chúng ta có kiểu khuếch đại C chung.

Kiểu khuếch đại C chung, còn quen gọi là tầng đệm, cho độ lợi công suất tốt. Nó có độ lợi dòng điện, không có độ lợi điện áp. Tín hiệu ngả vào và ngả ra cùng pha. Trở kháng ngả vào rất lớn nên ít gây nặng tải lên các nguồn tín hiệu, trở kháng ngả ra nhỏ nên có khả năng mang tải lớn. Quan hệ ngả vào ngả ra không có tính cách ly.

* Nếu tín hiệu cho vào chân E và lấy ra trên chân C, chúng ta có kiểu khuếch đại B chung.

Kiểu khuếch đại B chung, cho độ lợi công suất tốt. Nó cho độ lợi điện áp, không có độ lợi dòng điện. Tín hiệu ngả vào và ngả ra cùng pha. Trở kháng ngả vào rất nhỏ và trở kháng ngả ra lớn. Kiểu khuếch đại này có tần số làm việc rất cao, nó thường dùng làm mạch dao động, với đường hồi tiếp thuận, cho lấy tín hiệu trên chân C qua tụ điện trả về chân E.