Chúng ta biết, người ta chia tín hiệu ra làm 2 dạng: Dạng Sin và dạng phi Sin.
* Các tín hiệu dạng phi Sin, như các tín hiệu dạng xung, với các tín hiệu này, các tính toán về mức áp khảo sát trên các mạch điện sẽ lấy theo trục thời gian t. Do vậy, khi phải tính toán với các tụ điện C, các cuộn cảm L của mạch sẽ phải dùng đến toán cao cấp vi-tích-phân, điều này làm tăng tính phức tạp của công việc thiết kế mạch.
* Khi dùng nguồn tín hiệu dạng sin, các mức áp trên các mạch điện khảo sát sẽ chỉ tính theo trục tần số f. Vậy vai trò của các tụ điện C được xem là dung kháng XC và vai trò của các cuộn cảm L được xem là cảm kháng XL . Ở đây chúng ta chỉ gặp các bài toán sơ cấp dùng tính biên và góc pha của tín hiệu, do đó công việc thiết kế mạch đơn giản hơn rất nhiều.
Để có nguồn tín hiệu dạng Sin, Bạn có thể ráp theo sơ đồ mạch điện trên. Mạch dùng tính khuếch đại của transistor Q1, tín hiệu cho vào chân B và lấy ra trên chân C, hai tín hiếu này có tính đảo pha. Chúng ta dùng mạch lọc tần dạng 2T để lấy tín hiệu hồi tiếp, chúng ta biết mạch lọc tần 2T vừa có tính chọn tần và vừa có thể đảo pha tín hiệu để tạo ra dạng hồi tiếp thuận và như vậy mạch sẽ thoả điều kiện dao động, Ở đây chúng ta hiểu mạch dao động là mạch tự nó khuếch đại chính tín hiệu của nó, không cần lấy tín hiệu từ ngoài vào. Trong mạch dùng biến trở RV1 để chọn góc pha cho phù hợp với điều kiện dao động. Tín hiệu lấy ra qua tụ C4 để đưa vào các mạch thử. Cũng nên nhắc lại, để nội trở của các mạch thử không ảnh hưởng vào điều kiện hoạt động của mạch dao động, Bạn nên dùng thêm tầng khuếch đại đệm. Tầng khuếch đại đệm là các tâng khuếch đại, tín hiệu đưa vào trên chân B và lấy ra trên chân E.
Người ta thường dùng tín hiệu dạng Sin để kiểm tra và tính toán điều kiện hoạt động của các mạch điện âm thanh.