Chữ chạy

"Con đường đến với tri thức không dễ dàng, nhưng nếu chúng ta quyết đi sẽ đến được bến bờ tri thức !". Chào mừng các bạn đến với trang thông tin của Võ Hoàng Tâm - GV Khoa Điện Điện tử - Trường Đại học SPKT Vĩnh Long. Trang cung cấp thông tin - tài liệu học tập cho các bạn học viên và sinh viên. Chúc các bạn thành công trên hành trình đi tìm tri thức ...

Mạch khuếch đại âm sắc, còn gọi là khuếch đại chỉnh Bass - Treble

Tín hiệu âm thanh tai người nghe được nằm trong dãy tần số từ 20Hz đến 20000Hz. Người ta chia dãy tần này ra làm 3 đoạn:

* Đoạn từ 20Hz đến 400Hz gọi là âm trầm, hay Bass

* Đoạn từ 400Hz đến 3000Hz gọi là âm trung, hay Medium

* Đoạn từ 3000Hz đến 20000Hz gọi là âm bổng, hay Treble

Khi nghe nhạc hay khi nghe lời thoại, có người thích nghe âm trầm, lại có người thích nghe âm bổng, mỗi người mỗi ý, do vậy người ta ráp mạch khuếch đại có chức năng điều chỉnh biên độ của các tín hiệu âm thanh theo tần số. Mạch phổ biến nhất là dùng mạch lọc Baxandal dùng để điều chỉnh biên độ tín hiệu âm thanh vùng tần số thấp, gọi là nút chỉnh Bass và điều chỉnh tín hiệu vùng tần số cao, gọi là nút chỉnh Treble. Sơ đồ mạch điện như hình sau:
Trong mạch: Q1 là tầng khuếch đại tăng biên, ráp theo kiểu chân E chung, Q1 được phân cực với điện trở R2 dùng định mức áp cho chân C, điện trở R1 cấp mức áp phân cực cho chân B và điện trở định dònh R3, còn dùng lấy tín hiệu trên chân E tạo tác dụng hồi tiếp nghịch nhằm ổn định mạch khuếch đại. Tín hiệu đưa vào chân B qua tụ liên lạc C1 và cho lấy ra trên chân C qua tụ C2 vào mạch lọc, tại đây người ta đặt mạch lọc tần Baxandal. Mạch lọc gồm 2 nhánh:

* Nhánh lọc lấy tín hiệu có tần số cao, gồm tụ C4, RV1 và tụ C5. Các tín hiệu có tần số cao dễ qua nhánh này, các tín hiệu tần số thấp bị "chặn lại". Như vậy chúng ta dùng chiết áp RV1 chỉ để chọn biên độ cho các tín hiệu có tần số cao, RV1 thường gọi là nút chỉnh tiếng bổng.

* Nhánh lọc lấy tín hiệu tần số thấp, gồm R10, RV2, R11 và các tụ C6, C7. Mạch cho thấy chỉ có các tín hiệu tần số thấp cho qua chiết áp RV2, các tín hiệu tần số cao đều cho "đi tắt ngang qua" chiết áp này. Trong nhánh này, chúng ta dùng chiết áp RV2 chỉ để chọn biên độ cho các tín hiệu có tần số thấp, RV2 thường gọi là nút chỉnh tiếng trầm. Điện trở R12 tạo phân cách giữa các nhánh lọc tần.

Sau khi ra khỏi 2 nhánh lọc tần, một cho tần số cao và một cho tần số thấp, thành phần tín hiệu âm trầm và âm bổng được cho "cộng lại" và cho qua tụ liên lạc C8 đưa vào chân B của tầng khuếch đại với Q2. Transistor Q2 được phân cực với điện trở R5 định mức áp trên chân C, điện trở R4 cấp áp phân cực cho chân B, và điện trở R6 tạo tác động hồi tiếp nghịch trên chân E. Sau cùng tín hiệu lấy ra trên chân C của Q2 cho qua tụ liên lạc C3 để đến tải, hay để đi tiếp vào các tầng khuếch đại khác.

Để tránh "ảnh hưởng qua lại giữa các tầng do cùng dùng chung đường nguồn", trên đường nguồn DC chúng ta đặt mạch lọc nguồn với điện trở R7 và tụ C9. Mạch lọc này sẽ lọc sạch các tín hiệu của các tầng nhiễm vào đường nguồn, tránh được hiện tượng dao động ngoài ý muốn.