Cách đây 2 tuần, Báo Thanh Niên Online có bài viết về cuộc gặp gỡ đặc biệt sau 40 năm giữa tiến sĩ Lê Bá Khánh Trình, người được mệnh danh là “cậu bé vàng” của toán học VN khi giành giải đặc biệt trong kỳ thi Olympic toán học quốc tế (IMO) vào năm 1979 tại Anh, với chính người chấm giải đó cho mình là GS Tony Gardiner, nhận được sự quan tâm đặc biệt của độc giả.
Cuộc gặp đáng nhớ sau 40 năm
Nghề dạy học hay lắm. Nó hay ở chỗ khi mình đưa ra vấn đề, nếu thu hút được học sinh thì sẽ động viên được các em hợp tác với mình và qua đó chính bản thân mình cũng được nâng cao trình độ, tay nghề. Mỗi lần như vậy lại có một cảm giác thăng hoa, sảng khoái vì không uổng công
Sau thông tin về cuộc hội ngộ đặc biệt, cái tên Lê Bá Khánh Trình lại được quan tâm, bàn tán rất nhiều. Điều đó có khiến một người luôn muốn “yên ổn” như ông cảm thấy phiền?
Tôi thấy bình thường thôi, cuộc sống có những bất ngờ như vậy, nhưng cuộc gặp với GS Tony Gardiner sau 40 năm với tôi là điều cảm động và đáng nhớ nhất, không chỉ ở kỳ IMO này.
Qua hơn 40 mùa IMO, giải đặc biệt dành cho bài thi có lời giải đẹp vẫn chỉ có một lần được trao cho Lê Bá Khánh Trình và chưa có học sinh nào của VN nhận được giải thưởng tương tự. Có thể lý giải điều này như thế nào?
Giải đặc biệt cho lời giải đẹp của tôi thì chính tôi cũng khó lý giải được. Có thể do sự xuất thần, may mắn nào đó. Trong quá trình dạy tôi thấy nhiều học sinh rất giỏi, thậm chí có những bài giải của các em làm tôi rất bất ngờ nhưng vì nó không rơi vào kỳ thi tiếng tăm nào đó nên không được biết tới. Tôi vẫn cho rằng đó là một sự may mắn mà không phải ai cũng có được.
Cũng có người nói học sinh bây giờ giỏi toán, thậm chí giỏi hơn thế hệ các thầy ngày trước, nhưng dường như các em thiếu sự lãng mạn và đam mê để có thể tìm ra lời giải đẹp?
Đam mê thì cũng có chứ. Nhưng lãng mạn thì tôi nghĩ có thể nó phụ thuộc vào hoàn cảnh. Ví dụ khi phải gặp những khó khăn thì người ta cần đến sự lãng mạn để vượt qua. Còn các em bây giờ mọi thứ đều thuận lợi nên chắc ít có những cảm xúc phải vượt qua khó khăn để đạt được một điều gì đó như chúng tôi ngày xưa.
Thời của bọn tôi, đam mê theo kiểu vượt qua hoàn cảnh, trong trẻo lắm. Được làm cái mình thích nên đam mê chứ không phải làm để được vào trường này hay trường kia, cũng không nhìn thấy những chuyện tiêu cực.
Vì sao ông không chọn con đường làm nhà nghiên cứu hay trở thành nhà quản lý mà lại say mê với vai trò của một nhà giáo trực tiếp đứng lớp?
Có lẽ con người của tôi là như vậy. Tôi chỉ quan tâm đến việc tôi làm gì mà cảm thấy nó phù hợp và cảm thấy thích, thấy đam mê nhất, không phiền toái. Tôi chỉ muốn giữ được cho mình một “ngọn lửa” thật lâu dài, “tay nghề” của mình được rèn giũa thường xuyên. Nghề dạy học hay lắm. Nó hay ở chỗ khi mình đưa ra vấn đề, nếu thu hút được học sinh thì sẽ động viên được các em hợp tác với mình và qua đó chính bản thân mình cũng được nâng cao trình độ, tay nghề. Mỗi lần như vậy lại có cảm giác thăng hoa, sảng khoái vì không uổng công. Có những vấn đề mà cả đến 10 năm mình suy nghĩ nhưng chỉ đạt được đến mức độ nào đó, nhưng khi cùng trao đổi với học sinh thì nó lại sáng hơn và được đào sâu hơn.
Chính sự tương tác giữa thầy và trò đã tạo nên sự thăng hoa, khiến tôi giữ được một “ngọn lửa” cho bản thân và cho phép mình tận hưởng một chút cái cảm giác hài lòng. Nếu không có những điều đó thì chắc “ngọn lửa” ấy của tôi đã tàn lụi lâu rồi.
Từ chối luyện thi học sinh giỏi cho đội tuyển riêng lẻ
Tôi tham gia chỉ vì tôi thực sự quan tâm. Đây là một hoạt động của phong trào bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh chuyên toán của cả nước. Đặc biệt với học sinh ở khu vực phía nam, đồng bằng sông Cửu Long thì tôi lại càng muốn tham gia hơn bởi nói thật là tôi có cảm giác các em ở đây thiệt thòi ở nhiều nghĩa.
Tham gia giảng dạy ở trường hè, với tôi là cơ hội rất tốt. Đây thực sự là cảm hứng đối với tôi. Nhiều khi mình cứ thầm lặng xây dựng các bài toán hay, chờ đến trường hè để truyền đạt và cùng giải với các em. Tôi không bao giờ từ chối lời mời tham gia trường hè nhưng tôi thường từ chối những lời mời tham gia dạy học bồi dưỡng các đội tuyển học sinh giỏi riêng của từng trường, từng địa phương. Còn những trường hè hoặc những giờ giảng do viện toán tổ chức, học sinh đến từ nhiều đội tuyển… thì tôi sẵn sàng tham gia vì có thể xem là lúc đó mình không dạy riêng cho ai, riêng cho đội tuyển nào, mục đích rất rõ ràng là làm sao đẩy mạnh được phong trào học sinh giỏi, đam mê toán học.
Nhiều năm đưa đoàn học sinh Việt Nam đi thi toán quốc tế, ông thấy so với học sinh các nước trong khu vực thì phong độ của học sinh Việt Nam các năm gần đây ra sao?
Có thời điểm trước đây mình thua Singapore và Thái Lan, nhưng đến thời điểm này mình đã lấy lại được vị trí, nhìn tổng thể nước mình đang ngang ngửa với Singapore. Những nước còn lại thì mình nhỉnh hơn.
Tuy nhiên, tôi cảnh báo là các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Malaysia... đang đầu tư mạnh và tìm mọi cách để bứt phá, nên nếu mình không để ý và bằng lòng với kết quả hiện tại thì không phải còn lâu họ mới đuổi kịp và vượt chúng ta đâu.
Vậy theo ông việc bồi dưỡng, đào tạo học sinh giỏi của chúng ta đang đi đúng hướng chưa?
Nếu đúng hướng thì tôi nghĩ nó còn mạnh nữa chứ không phải ổn định như vậy. Như tôi đã nói về việc luyện học sinh giỏi trước mỗi kỳ thi theo kiểu dồn về Hà Nội, thuê nhà ở để luyện với thầy giỏi. Tôi biết có gia đình có điều kiện ở Hà Nội thậm chí cho con luyện đến cả chục thầy giỏi một lúc. Điều này dẫn tới tình trạng việc luyện tập trung để đi thi không phải nhằm mục đích nâng cao kiến thức, trình độ mà đôi khi là chạy theo “thời thượng”, theo phong trào, bồi dưỡng đúng hướng ra đề... chứ không phải nhằm trang bị cho học sinh bản lĩnh và kiến thức tốt hơn.
Việc luyện thi theo kiểu lò luyện, nó không giống với cuộc thi chọn học sinh giỏi, học sinh tài năng lắm.
Làm “bảo mẫu” của đội tuyển tham dự IMO
Thì đúng là bảo mẫu đấy. Sang nước ngoài dự thi, trưởng đoàn thì phải đi làm đề, tôi làm phó đoàn có nhiệm vụ chăm lo cho các em. Đưa các em đi thi, bất kể có giải hay không thì phải đảm bảo khi đưa các em trở về, bàn giao cho gia đình, địa phương một cách tốt đẹp nhất.
Việc này cũng khó đấy, rất may là tôi có kinh nghiệm làm cha, con tôi cùng lứa tuổi với các em nên mình cũng có chút kỹ năng để chăm lo, trò chuyện với các em. Diễn biến tâm lý của lứa tuổi đó đôi khi mình cũng không thể lường được, cũng bất ngờ và có lúc thấy khó. Nhưng tôi nghĩ quan trọng là mình phải công bằng với tất cả các em và làm thế nào để đảm bảo cho các em có sức khỏe tốt nhất trong thời gian dự thi.
Các em đi thi có bị căng thẳng, áp lực quá lớn về giải thưởng?
Có chứ. Có những trường tạo áp lực lớn quá cho các em, nhiều thầy cô trước khi đi thi đã khẳng định em này, em kia chắc chắn phải có huy chương vàng, khiến các em quá áp lực khi phải gánh cả một gánh nặng “danh dự” của cả trường, của thầy cô... Dù có năng lực tốt thế nào thì áp lực từ nhiều phía kiểu như vậy cũng rất căng thẳng với các em vì thi cử không thể nói trước được điều gì.
Thời bọn tôi thì không có áp lực kiểu như vậy. Việc chọn đi thi hoàn toàn tự nhiên, vào phòng thi tâm lý khá thoải mái vì chỉ cần làm hết khả năng của mình chứ không phải “gánh” trách nhiệm phải có huy chương cho cả trường, cả tỉnh... Đôi khi áp lực như vậy vừa khổ cho các em, lại khổ cho cả các thầy. Hiểu điều đó nên tôi luôn tìm cách động viên, cân bằng tâm lý cho các em. Thầy cũng phải tinh ý ở chỗ đó, tâm lý trước khi vào kỳ thi cũng rất quan trọng.
Có anh Lê Bá Khánh Trình trong đoàn IMO, chúng tôi rất yên tâm
Anh Trình là người đam mê và vô cùng có trách nhiệm với công việc. Do vậy, khi anh nhận lời làm trưởng đoàn hay phó đoàn dẫn đội tuyển học sinh VN tham dự Olympic toán quốc tế (IMO) các năm qua, chúng tôi rất yên tâm. Điều đáng quý ở anh Trình là trước đây anh thường đảm nhiệm vai trò trưởng đoàn, sau đó khi PGS Lê Anh Vinh làm trưởng đoàn, anh làm phó nhưng vẫn rất vui vẻ, thoải mái và luôn làm tốt nhiệm vụ của mình, không có bất cứ băn khoăn, thắc mắc nào.
TS Sái Công Hồng,
Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT
Anh đang sống, yêu và làm việc hết mình với hiện tại
Ở công việc, cương vị nào, người đàn ông sinh năm 1962 gốc Huế cũng làm với tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết và đầy cảm hứng. Trong mắt tôi, anh Trình giản dị và đời thường. Với anh, ánh hào quang của thời học sinh chỉ còn là kỷ niệm đẹp. Anh đang sống, yêu và làm việc hết mình với hiện tại, chẳng bao giờ đao to búa lớn.
TS Trần Nam Dũng,
Phó hiệu trưởng Trường phổ thông Năng khiếu TP.HCM
“Bảo mẫu” rất tốt của chúng em
Thầy đúng là “bảo mẫu” rất tốt của chúng em. Không những chăm lo chuyện ăn, ngủ, nghỉ mà thầy còn là huấn luyện viên, thủ lĩnh tinh thần của chúng em. Những ngày đi thi ở nước ngoài tuy căng thẳng nhưng có các thầy, đặc biệt là thầy Trình, khiến chúng em không có cảm giác áp lực và nhớ nhà quá nhiều, thậm chí rất vui. Không mấy thầy giáo nào chăm lo cho học sinh từng chút một như thầy Trình đâu.
Nguyễn Thuận Hưng, huy chương vàng IMO 2019, cựu học sinh lớp chuyên toán Trường THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng
Lê Bá Khánh Trình sinh năm 1962 tại TP.Huế. Năm 1979, ông là một trong 5 học sinh VN được chọn tham gia Olympic toán quốc tế ở London (Anh), khi đó ông là học sinh chuyên toán Trường Quốc học Huế. Ông đã đoạt giải nhất với số điểm tuyệt đối 40/40, đồng thời đoạt giải đặc biệt về lời giải độc đáo trong kỳ thi này. Sau kỳ thi trên, ông theo học tại Khoa Toán Trường ĐH Tổng hợp quốc gia Moscow mang tên Lomonosov ở Moscow (Nga). Bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, trở về VN, ông giảng dạy tại Khoa Toán Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho đến nay. Nhiều năm gần đây, ông tham gia tuyển chọn và huấn luyện đội tuyển VN thi toán quốc tế; là trưởng, hoặc phó đoàn Việt Nam dự IMO