Chữ chạy

"Con đường đến với tri thức không dễ dàng, nhưng nếu chúng ta quyết đi sẽ đến được bến bờ tri thức !". Chào mừng các bạn đến với trang thông tin của Võ Hoàng Tâm - GV Khoa Điện Điện tử - Trường Đại học SPKT Vĩnh Long. Trang cung cấp thông tin - tài liệu học tập cho các bạn học viên và sinh viên. Chúc các bạn thành công trên hành trình đi tìm tri thức ...

Cần thay đổi tư duy lỗi thời về dạy tiếng Anh

Đó là thực tế được chỉ ra tại hội thảo Dạy và học Tiếng Anh tiểu học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới diễn ra tại Hà Nội ngày 16/3.

Tư duy lỗi thời và thiếu giáo viên trầm trọng
GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nói điều mà nhiều người và bản thân ông băn khoăn là trẻ em Việt Nam dù được học ngoại ngữ khá sớm, nhưng sau khi tốt nghiệp lớp 12 thì mọi thứ đều trở nên khó khăn. “Ở cả 4 kỹ năng, hầu hết các em rất lúng túng”, ông Minh nói.
Theo ông Minh, những học sinh sinh từ năm 2001 là một thế hệ khác, cần những cách thức dạy và học khác. Do đó, cần thay đổi những tư duy giáo dục lỗi thời.


Ông Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng Vụ giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT). Ảnh: Thanh Hùng
GS.TS Hoàng Văn Vân, Phó trưởng ban phát triển chương trình môn Tiếng Anh - Chương trình Giáo dục phổ thông mới thì cho hay, cách đây 2 năm, ông từng báo cáo với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT giải quyết riêng việc dạy tiếng Anh từ lớp 3 đến lớp 5 khi trên lý thuyết đang thiếu khoảng 10.000 đến 20.000 giáo viên.
“Điều này chắc các địa phương đều rõ. Trước hết chỉ mong phủ đầy giáo viên đã, chứ chưa cần nói đến đạt B1 hay C2... ”, ông Vân nêu khó khăn thực tế.  
Ông Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) cũng thừa nhận sự khó khăn là trong số 400.000 giáo viên tiểu học hiện nay, số lượng giáo viên tiếng Anh đang chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn.
“Nguyên nhân rất rõ ràng là từ trước tới nay, môn học này được xác định là tự chọn nên chưa đưa vào vị trí việc làm theo Thông tư 16", ông Tài chỉ rõ.
Khi Thông tư 32 ban hành thì khẳng định Tiếng Anh là môn bắt buộc, vì vậy phải xây dựng vị trí việc làm và phải làm lại định biên trong tổng định biên được giao.
"Trước hết cần tiến hành xét tuyển đối với các giáo viên đang dạy hợp đồng, sau đó tuyển thêm giáo viên theo lộ trình đúng như tinh thần Thông tư 32” - ông Tài nêu giải pháp.

GS.TS Hoàng Văn Vân, Phó trưởng ban phát triển chương trình môn Tiếng Anh chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: Thanh Hùng.
Tuy nhiên, điều thuận lợi, theo ông Tài là “Với lứa học sinh tiểu học hiện nay, phụ huynh hầu hết thuộc thế hệ 8X, 9X nên có nhận thức rất rõ ràng về điều kiện và mong muốn, kỳ vọng đối với con em mình. Quan điểm trang bị cho con em những hành trang tốt nhất, thuận lợi nhất được thể hiện vượt bậc trong 5 năm gần đây. Qua thống kê, có trên 86% số học sinh tiểu học hiện nay được học tiếng Anh từ lớp 3 đến lớp 5. Trong số này, có khoảng 67% được học 4 tiết/ tuần trở lên”.
Do đó, việc dạy và học môn tiếng Anh ở Chương trình Tiểu học mới sẽ rất được xem trọng.
Học sinh liệu có thành trung tâm?
Bàn về Chương trình mới, ông Nguyễn Quốc Hùng, nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội, bày tỏ băn khoăn: “Chương trình nói rằng lấy học sinh làm trung tâm, nhưng quan trọng thầy cô có cho phép hay không. Trong một lớp học, thầy cô nói đến 90% thời lượng tiết dạy, thao thao bất tuyệt từ đầu đến cuối, thì học sinh lấy đâu ra mà trung tâm”.
Ngoài ra, ông Hùng lưu ý: "Chương trình có thể đúng, nhưng nếu chọn giáo trình không đúng thì bất cập hoàn toàn có thể nảy sinh".
Thầy Nguyễn Quốc Hùng, nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội. Ảnh: Thanh Hùng
Đáp lời, ông Thái Văn Tài cho rằng Chương trình mới được tổ chức thực hiện 2 buổi/ ngày sẽ mang lại những thuận lợi trong việc thiết kế dạy học tiếng Anh.
“Hiện nay chương trình học của lớp 1 là 25 tiết học đối với các môn bắt buộc, lớp 2 là 25 và lớp 3 là 28 tiết, lớp 4 và 5 là 30 tiết. Ngay trong chính khóa, với số lượng tiết bắt buộc như 25 tiết đối với từ lớp 1 và tổ chức dạy học 9-10 buổi/tuần trở lên là một trong những điều kiện thuận lợi để tăng cường tiếng Anh cho học sinh.
Chương trình mới thiết kế mỗi ngày không quá 7 tiết. Nếu buổi sáng 5 tiết thì buổi chiều chính khóa chỉ học 2 tiết. Như vậy, học sinh sẽ có khoảng thời gian ngoài chính khóa. Thời gian này sẽ tổ chức hoạt động theo yêu cầu dưới hình thức câu lạc bộ, mang tính chất trải nghiệm. Và môn Tiếng Anh cũng có thể được tổ chức câu lạc bộ tăng cường”, ông Tài nói về tương lai khả quan của môn học này.
Về thực tiễn và kinh nghiệm triển khai chương trình tiếng Anh ở địa phương, ông Phạm Thanh Toàn, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Ninh Bình bày tỏ băn khoăn khi kết quả thi THPT quốc gia của tỉnh nằm trong top 10 địa phương có điểm trung bình các môn thi cao, nhưng môn tiếng Anh chỉ đứng thứ 33 toàn quốc.
“Nguyên nhân có lẽ do cách dạy và học chưa ổn, trình độ giáo viên chưa ổn. Nguyên nhân nữa là học một đằng các thầy lại ra đề một nẻo. Chúng tôi đã tổ chức rất nhiều chuyên đề nhưng vẫn chưa xử lý được mâu thuẫn này”, ông Toàn thẳng thắn nói.
Ông Toàn cũng cho rằng giáo viên là đội ngũ quyết định thành bại của Chương trình phổ thông mới. Tuy nhiên, vấn đề biên chế vẫn là thách thức đối với địa phương. “Giáo viên thế hệ trước chủ yếu học tại chức, giải quyết đội ngũ này cũng rất khó, giờ không đưa định biên đi đâu được, biên chế thì có giới hạn. Trong khi đó, nguồn giáo viên tiếng Anh mới có những em học rất khá, từ những trường giỏi nhưng vì biên chế khóa lại nên không tuyển được”.
Thanh Hùng