Chữ chạy

"Con đường đến với tri thức không dễ dàng, nhưng nếu chúng ta quyết đi sẽ đến được bến bờ tri thức !". Chào mừng các bạn đến với trang thông tin của Võ Hoàng Tâm - GV Khoa Điện Điện tử - Trường Đại học SPKT Vĩnh Long. Trang cung cấp thông tin - tài liệu học tập cho các bạn học viên và sinh viên. Chúc các bạn thành công trên hành trình đi tìm tri thức ...

Đề xuất cho học sinh THCS học lên cao đẳng

Nếu hết lớp 9 vào học nghề, 18-19 tuổi học sinh có thể gia nhập thị trường lao động, sau đó có thể học liên thông vào đại học. 
Thảo luận dự án Luật Giáo dục sửa đổi sáng 15/11, đại biểu Lê Quân (Thứ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội) cho rằng, theo chỉ thị của Bộ Chính trị năm 2011 cũng như quyết định năm 2018 của Chính phủ thì mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam phải có 30% học sinh THCS học nghề và đến 2025 đạt 40%. Tuy nhiên, hiện nay con số thực tế mới khoảng 8%. Việc phân luồng ở đa số địa phương chưa tốt, chưa thực sự gắn với đào tạo.
"Hiện công tác phân luồng đa số phụ thuộc vào nỗ lực của các trường nghề, họ lăn lộn đến tận thôn xóm, bản làng để tư vấn tuyển sinh", ông Quân nói.
Từ thực tế đó, ông kiến nghị, cần ưu tiên phân luồng học sinh. Hiện nay, các địa phương rất ưu tiên trường chuyên, lớp chọn, nhưng chưa quan tâm đến những em không đỗ vào THPT. Điều này làm lãng phí nguồn lực xã hội.

Thứ trưởng Lao động Lê Quân tại Quốc hội. Ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội
 
Thứ trưởng Lao động nói, xu hướng của thế giới là để người dân gia nhập thị trường lao động sớm. Nếu học hết lớp 9 vào học nghề, 18-19 tuổi có thể gia nhập thị trường lao động với mức lương 8-9 triệu đồng, sau đó có thể học liên thông vào đại học. Mô hình này đã thành công ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan hay các quốc gia phát triển như Pháp, Anh.
"Nếu phân luồng tốt thì cũng như đang giải quyết vấn đề kéo dài tuổi nghỉ hưu. Chúng ta có nguồn lao động chất lượng, tăng cường tuổi lao động sớm đặc biệt là con em nhà nghèo, người dân tộc thiểu số", ông Quân nói.
Đại biểu TP Hà Nội nhận xét, chính sách phân luồng khó khăn do bậc THPT mở nhiều trường tư thục, trường đại học mở cửa đầu vào, không có rào cản kỹ thuật về học phí và tiêu chí. Các đại học công được nhà nước đầu tư lại có chỉ tiêu ấn định nên giữa đại học và cao đẳng cạnh tranh mạnh mẽ, gây nguy cơ lãng phí.
Ông Quân cho rằng hiện nay có hai điểm nghẽn. Đó là hết lớp 9 học sinh được vào học trung cấp nhưng luật quy định các em vừa học trung cấp vừa phải học văn hoá. Điều này dẫn đến chương trình nặng, tổ chức đào tạo không hợp lý vì học nghề một nơi, học văn hóa ở nơi khác, khiến việc dạy nghề khó chất lượng. Hơn nữa, theo quy định phải học hết trung cấp mới liên thông lên cao đẳng, như vậy học viên phải mất thêm một năm để hoàn thành văn hóa mới được học tiếp.
Từ thực thế đó, ông Quân đề nghị luật ghi rõ ưu tiên phân luồng học sinh, hướng các em học nghề, đồng thời bổ sung trách nhiệm phân luồng là của ai và các giải pháp thực hiện. Hiện nay trung cấp là bậc 4, cao đẳng bậc 5, đại học bậc 6, luật cần quy định học xong bậc nào được liên thông lên bậc đó, không cần điều kiện bổ sung; và trách nhiệm của các bậc là phải đào tạo đủ kiến thức, kỹ năng, phẩm chất để theo bậc trên.
"Đề nghị dự thảo luật có thể mở ra, quy định học sinh THCS không chỉ học lên trung cấp mà có thể học lên cao đẳng. Bộ Lao động đã thí điểm cho học sinh học hết 9 năm lên học cao đẳng, thiết kế tổng thể cả văn hoá và nghề nghiệp. Khi đó, khoảng 18-19 tuổi các em gia nhập thị trường lao động", Thứ trưởng Quân nói.
Đề nghị thí điểm trong giáo dục phải xin ý kiến thường vụ Quốc hội
Đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho ý kiến về từ "thực nghiệm" trong dự thảo luật. Điều 29 luật hiện hành quy định về xây dựng sách giáo khoa thực nghiệm, còn trong dự thảo luật sửa đổi "thực nghiệm" nằm ở phần quản lý nhà nước về giáo dục.
Cụ thể, điều 113 của dự luật quy định Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi áp dụng đại trà đối với chính sách mới trong giáo dục đã được thí điểm thành công. Như vậy là khi đại trà mới xin ý kiến, còn thí điểm thì không.
"Đề nghị vấn đề thí điểm, thực nghiệm phải được thông qua ở Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội", ông nói và dẫn chứng mô hình trường học mới VNEN tốn tiền tỷ nhưng hết giai đoạn 2015-2016 không tổng kết, "nếu như có bất cập thì học sinh đi về đâu".
Dự luật còn có quy định Chính phủ trình Quốc hội trước khi quyết định những chủ trương lớn có ảnh hưởng tới quyền, nghĩa vụ học tập của công dân trong phạm vi cả nước. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng băn khoăn, như thế nào là chủ trương lớn, chủ trương nhỏ?
"Tôi đề nghị sửa lại, đơn giản là Chính phủ trình Quốc hội trước khi quyết định những chủ trương về giáo dục đào tạo", ông Tuấn nói.
Hoàng Thùy