Nhiều trường đại học vẫn tiếp tục sử dụng kết quả thi THPT quốc gia như một phương thức để xét tuyển.
Phát biểu tại phiên giải trình về thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên và tổ chức kỳ thi THPT quốc gia do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định kỳ thi này từ năm tới sẽ phục vụ cho tốt nghiệp THPT. Cụ thể, đề thi sẽ bám sát hơn với THPT nhưng vẫn tổ chức thực chất để các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) có căn cứ xét tuyển nếu muốn.
Vẫn xét tuyển từ kết quả của kỳ thi
Đề cập đến vấn đề trên, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, khẳng định: “Nhà trường vẫn xét tuyển vào ĐH theo phương thức năm trước. Bởi nếu thay đổi sẽ ảnh hưởng đến thí sinh về mặt tâm lý, luyện thi… Tôi hoàn toàn đồng ý với việc bộ trưởng nói đề thi chủ yếu phục vụ cho thi tốt nghiệp. Bởi mấy năm nay chúng ta cứ loanh quanh với bài toán “2 trong 1”. Vì thế cứ phải nghĩ làm sao để vừa xét tốt nghiệp vừa xét ĐH. Thế nhưng điều này là không khả thi. Bởi trong một đề thi không giải quyết được hai mục tiêu đồng thời”.
“Lý do, nếu để xét tốt nghiệp đề thi phải dễ, còn để xét vào ĐH đề phải khó và có những câu hỏi mang tính phân hóa. Và chính điều này đã gây khó khăn cho tổ ra đề nên mới dẫn đến hiện tượng có năm mưa điểm 10, có năm lại ít. Cho nên đề thi hãy tập trung vào kiến thức phổ thông. Và các trường ĐH hoàn toàn có thể dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển vì nó cũng có sự phân loại, học sinh giỏi được 9-10 điểm, học sinh khá đạt 5-6 điểm”.
Cũng theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, việc xét tuyển ĐH cũng giống “nước lên thuyền lên”, đề dễ, điểm cao thì điểm chuẩncao, còn đề khó điểm chuẩn thấp. Trường vẫn giữ nguyên hình thức xét tuyển như năm rồi, sẽ có đến 60%-80% chỉ tiêu dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia, còn lại ưu tiên xét tuyển từ các trường chuyên theo học bạ.
Ông Dũng cho biết thêm, điểm đầu vào chỉ là một chỉ số, còn điều quyết định vẫn là chất lượng đào tạo và việc siết chặt đầu ra từ các trường ĐH.
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2018. Ảnh: TRƯỜNG GIANG
Tương tự, ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh, ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết trường vẫn sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển. Tuy nhiên, năm học tới sẽ có sự thay đổi. Trường kết hợp hai hình thức dựa vào điểm học bạ và điểm của kỳ thi THPT quốc gia. Mặt khác, nếu ĐH Quốc gia TP.HCM cho phép sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực cho các trường ngoài ĐH Quốc gia thì ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM sẽ thí điểm sử dụng kết quả đánh giá đó để tuyển sinh.
Cũng theo ông Sơn, việc đề thi THPT quốc gia chủ yếu phục vụ cho mục tiêu tốt nghiệp xét về khía cạnh nào đó cũng là mặt tích cực. Bởi nó là điều kiện để các trường thực hiện tự chủ trong công tác tuyển sinh, đồng thời cũng là cơ hội để trung tâm khảo thí cấp quốc gia ra đời. Trung tâm là nơi tốt nhất thực hiện đánh giá đầu vào cũng như các bài đánh giá theo yêu cầu của trường. Vì thế, nếu trung tâm ra đời, trường sẽ tham gia vào hoạt động của trung tâm để có những đánh giá mang tính khách quan nhất.
Tăng chỉ tiêu xét tuyển từ kỳ thi đánh giá năng lực
TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết ĐH Quốc gia đã có kế hoạch lâu dài cho việc tuyển sinh. Trong năm tới vẫn tiếp tục đa dạng hóa các phương thức xét tuyển vào ĐH Quốc gia TP.HCM.
Cụ thể, vẫn thực hiện bốn phương thức như tuyển thẳng theo quy định của Bộ, ưu tiên xét tuyển học sinh giỏi trường chuyên, dùng kết quả kỳ thi THPT, dùng kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia tự tổ chức.
“Tuy nhiên, trong năm tới, kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực sẽ được cân nhắc để sử dụng với chỉ tiêu tuyển sinh nhiều hơn. Chúng tôi đang đề xuất sẽ tăng chỉ tiêu lên 40%-60%, trong khi năm ngoái chỉ sử dụng 10%-20% chỉ tiêu xét tuyển” - ông Chính nói.
Cũng theo ông Chính, ĐH Quốc gia TP.HCM luôn ủng hộ và hoan nghênh các trường sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh. “Tại nước Mỹ cũng tổ chức một kỳ thi độc lập. Từ đó các trường có thể sử dụng để tuyển sinh mà không cần lập nhóm xét tuyển hoặc lọc ảo. Và đây là mô hình chúng tôi đang hướng tới. Đến một thời điểm nào đó, trung tâm khảo thí của ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ trở thành trung tâm tổ chức kỳ thi mang tính chất độc lập. Thí sinh sẽ dự thi và các trường ĐH có thể sử dụng như một phương thức xét tuyển. Và cách làm này phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới” - ông Chính nhấn mạnh.
Đề thi vẫn có sự phân hóa
Kỳ thi THPT quốc gia chủ yếu phục vụ cho mục đích xét tốt nghiệp. Tuy nhiên, vẫn có những câu hỏi mang tính chất phân hóa.
Luật Giáo dục ĐH quy định các trường ĐH được tự chủ có thể tổ chức riêng một kỳ thi để xét tuyển. Tuy nhiên, làm việc đó không hề đơn giản. Hơn nữa, trường nào cũng tổ chức thi riêng sẽ gây áp lực cho thí sinh và xã hội. Vì thế, ở một khía cạnh nào đó, các trường vẫn có thể sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển. Vì thế, trách nhiệm của chúng tôi là làm thế nào để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, công bằng và khách quan.
Ông MAI VĂN TRINH, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT
|