Chữ chạy

"Con đường đến với tri thức không dễ dàng, nhưng nếu chúng ta quyết đi sẽ đến được bến bờ tri thức !". Chào mừng các bạn đến với trang thông tin của Võ Hoàng Tâm - GV Khoa Điện Điện tử - Trường Đại học SPKT Vĩnh Long. Trang cung cấp thông tin - tài liệu học tập cho các bạn học viên và sinh viên. Chúc các bạn thành công trên hành trình đi tìm tri thức ...

Việt Nam sẽ sớm triển khai 5G, đưa tốc độ mạng lên 10Gbps

 Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư quốc tế ngành TT&TT năm 2018 vừa được Bộ TT&TT tổ chức, đã có nhiều ý kiến chia sẻ về định hướng phát triển công nghệ 5G và những hướng đi mới cho Việt Nam.
Tính đến tháng 5/2018, Việt Nam hiện có tổng cộng 76,8 triệu người sử dụng Internet. Với truy cập băng rộng di động, hiện dịch vụ này có tổng cộng 64,2 triệu người dùng tại Việt Nam. Trong đó, có 51,2 triệu người sử dụng 3G và 13 triệu người sử dụng 4G.
Sau khi triển khai thành công 4G, hiện Việt Nam đang hướng tới việc triển khai 5G. Về mặt lý thuyết, tốc độ truyền tải dữ liệu của 5G có thể lên tới 10Gbps.

Tốc độ tăng trưởng lượng người sử dụng băng rộng di động tại Việt Nam. 
Theo thống kê năm 2017 của HIS, công nghệ 5G có sức tác động khoảng 4.6% ở mọi lĩnh vực của đời sống. Công nghệ này giúp tạo ra nền kinh tế số và mở rộng môi trường hoạt động của các ngành công nghiệp dựa trên hạ tầng mạng băng rộng. Đến năm 2035, 5G có thể góp phần vào ngành kinh tế số trị giá 12.000 tỷ USD.
Việt Nam sẽ sớm triển khai 5G vào năm 2019
Trên thế giới hiện có trên 18 mạng 5G đã triển khai với hơn 20 năm nhà cung cấp các thiết bị khác nhau. Hiện cũng có 134 mạng thử nghiệm 5G tại 62 nước trên thế giới. Đến năm 2019, thế giới sẽ chính thức thông qua chuẩn 5G tại hội nghị vô tuyến quốc tế của ITU-A.
Theo ông Trần Tuấn Anh - Trưởng phòng Cơ chế chính sách và Quy hoạch (Cục Viễn thông, Bộ TT&TT), Việt Nam xác định 5G là hạ tầng mạng cho tất cả các ngành nghề trong nền kinh tế, không chỉ là viễn thông đơn thuần. Nó sẽ mở rộng, tăng khả năng làm việc của các ngành nghề dựa trên hạ tầng vô tuyến.

Tốc độ Internet tại Việt Nam với 2G, 3G, 4G và tiếp theo đó là 5G. Nếu triển khai thành công, tốc độ download tối đa với 5G có thể lên tới 10Gbps, tốc độ trung bình trên thực tế là 50Mbps.
Khi triển khai 5G, phải xác định rõ 5G sẽ được ứng ở chỗ nào và triển khai ở đâu đầu tiên? 5G sẽ mở ra một loạt các ngành nghề mới như nông nghiệp thông minh, y tế thông minh để phục vụ đời sống, ông Trần Tuấn Anh cho biết.
Theo ông Trần Tuấn Anh, việc triển khai 5G tại Việt Nam sẽ phụ thuộc vào vai trò của nhà mạng và các doanh nghiệp ICT. Việt Nam cũng cần phải xây dựng các trung tâm nghiên cứu về công nghệ 4.0 cho 5G, bên cạnh đó là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tương ứng.
Khi 5G được triển khai, Việt Nam sẽ phải đối mặt với các các thách thức bao gồm việc quản lý hàng triệu các thiết bị cùng kết nối. Bên cạnh đó, chúng ta phải đảm bảo được an toàn thông tin mạng và hoạt động chuyển đổi sang nền kinh tế số.
 Theo Thứ trưởng Phan Tâm, Bộ TT&TT sẽ nghiên cứu việc triển khai cấp phép thử nghiệm 5G tại Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt
Bộ TT&TT đặt mục tiêu sớm nghiên cứu để tiến hành triển khai thử nghiệm 5G tại Việt Nam. Theo Thứ trưởng Phan Tâm, Bộ TT&TT đang trình Chính phủ xây dựng các chính sách ưu tiên để đáp ứng và tạo đà cho sự chuyển đổi của các ngành kinh tế, công nghiệp và dịch vụ với một số trọng tâm như khuyến khích phát triển hạ tầng băng rộng và hạ tầng cơ sở dữ liệu. Bên cạnh đó, một trong những mục tiêu cụ thể là việc hoàn thiện mạng di động 4G, nghiên cứu triển khai 5G nhằm đáp ứng yêu cầu Internet kết nối vạn vật trong thời gian sớm nhất.
Việt Nam cần phải làm gì để phát triển 5G?
Chia sẻ tại Hội nghị xúc tiến đầu tư quốc tế ngành TT&TT năm 2018, ông Shri RK Pathak - Phó TGĐ Trung tâm hợp tác quốc tế, Bộ truyền thông Ấn Độ cho biết, để triển khai 5G, Việt Nam cần quan tâm đến lĩnh vực tiêu chuẩn hoá và nắm trong tay bằng sáng chế các công nghệ liên quan đến 5G.
“Với kinh nghiệm mà chúng tôi đang có, Việt Nam nên hợp tác với Ấn Độ để nâng cao năng lực phát triển 5G”, ông Pathak cho biết.
Chia sẻ một vài kinh nghiệm với Việt Nam, ông Pathak cho biết, về chính sách phổ tần, chính phủ Ấn Độ dự kiến dùng cả các băng tần cấp phép và không cấp phép để triển khai 5G. Ấn Độ hướng tới việc đi tiên phong trong công nghệ 5G bằng việc mời nhiều OEM (nhà sản xuất thiết bị gốc) lớn hợp tác với chính phủ để triển khai thí điểm và trình diễn 5G.
Ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ TT&TT cùng các chuyên gia quốc tế cắt băng khai mạc Hội nghị xúc tiến đầu tư quốc tế ngành TT&TT năm 2018. Ảnh: Trọng Đạt
Theo ông Alax Orange - Giám đốc phụ trách quan hệ chính phủ khu vực Đông Nam Á của Qualcomm, chúng ta sẽ thấy mạng 5G sẽ được triển khai ở các phổ tần lớn hơn, đầu tiên là ở tần số 28GHz. 5G sẽ được triển khai trước ở các đô thị do mật độ dân số lớn. Đó là nơi đem lại tỷ suất lợi nhuận đầu tư tốt hơn.
“Khi thị trường đủ lớn, Việt Nam có thể chuyển sang phổ tần bậc trung và triển khai ở các khu vực ngoại thành và nông thôn. Đây sẽ là giải pháp hợp lý nhất cho việc triển khai 5G”, ông Alex Orange cho biết.
Khi được hỏi về việc Việt Nam nên làm gì để phát triển ngành sản xuất các thiết bị IoT trước sự cạnh tranh của các doanh nghiệp nước ngoài, nhất là Trung Quốc, ông Trung Phan, Phó Chủ tịch Ericsson Việt Nam cho rằng, khi nói về 5G và IoT, cơ hội sẽ nhỏ hơn bởi thị trường tiềm năng rất nhỏ. Trong khi đó, việc sản xuất các thiết IoT lại có rất nhiều các đối thủ cạnh tranh. Tuy vậy, theo ông Trung Phan, Việt Nam không phải là không có cơ hội.
“Để Việt Nam có thể sản xuất các thiết bị IoT trong nước, cần phải hiểu thị trường, có chiến lược giá cả phải phù hợp với người dân trong nước. Chính phủ Việt Nam cũng cần có chính sách phù hợp để bảo vệ thị trường bằng sáng chế các thiết bị IoT trong nước trong giai đoạn non trẻ ban đầu", ông Trung Phan, Phó Chủ tịch Ericsson Việt Nam chia sẻ.
Trọng Đạt