Tôi mới nhận được email từ một công ty đánh giá dịch vụ du lịch. Họ thông báo về một người Ý vừa bị buộc tội bán các bài đánh giá giả mạo trên các ứng dụng của họ thay vì các khách hàng thật. Ông bị kết án 9 tháng tù và phạt 8.000 Euro.
Điều này rất quan trọng và liên quan nhiều đến Việt Nam. Review - nhận xét của người dùng, đánh giá thật sau khi trải nghiệm – về những nhà hàng, khách sạn, bộ phim, dịch vụ... bắt đầu phát triển sau khi Internet bùng nổ. Những đánh giá này rất quan trọng. Nó cho mọi người thấy những ý kiến khách quan, không trục lợi. Người viết như một tình nguyện viên, giúp người tiếp theo có thể xác định mặt thực sự tốt và chưa tốt của dịch vụ và sản phẩm.
Tôi sử dụng ứng dụng của công ty trên khá nhiều. Nó giúp tôi tìm được một nhà hàng, nằm sâu trong các hẻm hóc ở quận Một của Sài Gòn, một “viên ngọc bị chôn giấu”. Nhà hàng này rất nhỏ, lãng mạn, đẹp và thức ăn ngon tuyệt. Đầu bếp cũng chính là chủ sở hữu. Tiếng Anh gọi kiểu nhà hàng hay cửa hàng như vậy là “mom & pop” - quản lý bởi một gia đình. Nếu không có ứng dụng trên, tôi sẽ mãi tiếp tục đến những nhà hàng có thương hiệu lớn, vung tiền để quảng cáo. Những nhà hàng đó đã nổi tiếng rồi, họ sẽ không quá tập trung và sự phục vụ tuyệt vời và đáng nhớ nữa.
Có rất nhiều ứng dụng dịch vụ ngày nay cho phép người dùng đánh giá chất lượng dịch vụ. Những đánh giá cho thấy rằng khách hàng rất coi trọng sự phục vụ thân thiện. Bởi vậy, nhiều ông chủ luôn cố gắng luyện tập cho nhân viên của họ thật kỹ lưỡng để có thể nhận được phản hồi tốt từ khách hàng.
Đánh giá sản phẩm cũng góp phần xử lý những nhà hàng tốt nước sơn, nhưng không tốt gỗ. Mấy năm trước, tôi thuê một phòng khách sạn ở Hạ Long với mẹ, cũng khá đẹp, gần biển. Nhưng rồi bắt đầu nảy sinh một số vấn đề. Họ yêu cầu tôi phải thanh toán trước mới được nhận phòng trong khi đứng kế bên tôi là một gia đình đang thanh toán khi trả phòng, không giống mình. Trong thời gian ở khách sạn, mẹ tôi đã vô tình làm vỡ một tách cà phê nhỏ. Tôi nói với lễ tân bằng tiếng Anh rằng tôi sẽ đền nó. Bạn lễ tân trả lời sẽ kiểm tra giá rồi cầm điện thoại lên gọi cho bạn buôn chuyện - bạn ấy nghĩ tôi không hiểu. Tôi nói bằng Tiếng Việt: “Bạn ơi, bạn có thể kiểm tra giá cho mình được không? Mình muốn đi ăn bây giờ”.
Bạn lễ tân bực mình, mở máy vi tính, gõ gõ cái gì đấy một hai phút rồi trả lời: “Giá tách cafe là 300.000 đồng”.
Tôi thực sự ngạc nhiên. Nhưng không muốn nổi giận khi mẹ đang ở đây. Tôi trả tiền và sau đó viết review để những người khác có thể biết rõ về cách phục vụ khách sạn này.
Dĩ nhiên “all good things must come to an end” - Tất cả mọi thứ tốt đẹp rồi cũng sẽ đến hồi kết thôi. Ở Việt Nam bắt đầu có những website viết về ẩm thực, nhưng do được trả tiền. Trên mạng xã hội, ngập tràn người đang bán “like” (thích) cho những “người theo dõi” (followers). Ngay nay, với quá nhiều người có thể tạo dựng sự giả dối về bản thân họ với hình ảnh “ảo tung chảo”, đánh giá giả, tài khoản giả, người theo dõi giả, like giả, giống như người có tiền tha hồ quảng cáo sản phẩm có hại cho sức khỏe trên “giờ vàng”. Họ có tiền thì có quyền. Những mom & pop của nhà hàng nhỏ lại chìm vào lãng quên.
Tất cả like giả, bài review giả... là lừa dối. Có bao giờ bạn tự hỏi lừa dối khách hàng sẽ khiến công việc kinh doanh đi đến đâu?
Một người bán hàng chuyên chặt chém, lừa phỉnh thì khó giữ được khách hàng lâu dài. Khách cũ không quay lại, để tồn tại, họ phải luôn săn tìm những con mồi mới, và sẽ mãi luẩn quẩn mãi trong mệt mỏi. Trong khi chỉ cần tử tế với khách hàng, gầy dựng niềm tin, họ sẽ không mất công gì bởi khách tự động tới.
Tự lừa dối bản thân lần đầu, bạn sẽ thấy hơi khó chịu, nhưng càng làm nhiều thì càng thấy bình thường. Sự tự lừa dối bản thân cũng làm cư xử của mình tồi tệ hơn, làm cho xã hội trở nên ích kỷ hơn. Ai cũng chạy đua tích cóp được đồng nào hay đồng ấy, không cần biết tương lai ra sao.
Đó là vấn đề với riêng doanh nghiệp của bạn, còn với cái chung, bạn cũng có khi nào tự hỏi các review giả này sẽ làm hỏng thị trường thương mại ra sao? Sống trong một thế giới không biết điều gì là thật, gặp người tốt cũng lo sợ họ lừa mình, phải ngày đêm cảnh giác với mọi người, bạn sẽ giảm tuổi thọ. Một thế giới đầy mệt mỏi. Cứ viết review giả, nói dối về sản phẩm của bạn thì đến một ngày, không còn ai tin vào các ứng dụng review nữa, cũng không ai tin vào sản phẩm của bạn nữa.
Sự thật là vẫn còn rất nhiều thứ lừa dối xung quanh ta. Khi mình tự nhủ với với mình: đầy người làm thế, có sao đâu; người ta làm được sao tôi không được; ai mà chả hối lộ cảnh sát giao thông nên mình cũng thế thôi; ông kia chặt chém khách hàng thì tôi cũng vậy. Nhưng thâm tâm, bạn biết điều gì là đúng. Lương tâm của bạn biết sự khác biệt giữa cái gì là tốt, cái gì là sự lừa dối, từ sâu trong bản thân bạn.
Người ta chỉ trả tiền cho những gì họ tin, và có trải nghiệm cá nhân tốt. Công việc kinh doanh có thể thịnh vượng bởi sự giả dối hay không? Không. Nó tàn phá cách kinh doanh phát triển.
Chúng ta phải làm gì để thay đổi việc này? Thành thật là một phần tất yếu của một xã hội tốt. Nó là một quy tắc đạo đức cơ bản. Sự thật mất lòng, nhưng sự thật là điều cần thiết để thay thế tất cả các đánh giá giả mạo. Đau khổ là cần thiết để mọi người đều tốt lên.
Chúng ta hiểu được điều này thì sẽ không còn dối trá nữa. Chúng ta không thể thay đổi được người khác, nhưng ta có thể thay đổi từ chính hành động của bản thân. Mỗi ngày sẽ có thêm người nhận ra và tiếp bước theo bạn.
Bản thân tôi, mỗi ngày trên chiếc xe đạp, tôi luôn tin ai đó bắt gặp và sẽ thử đạp xe sau khi thấy tôi vui khoẻ như thế nào. Mình phải có một niềm tin rằng nếu bản thân mình chọn làm một điều gì đó tốt, thì đến cuối cùng, mọi người sẽ làm theo.
Thành thật phải là điều quan trọng nhất, đầu tiên, ngay cả khi nó rất đớn đau.
Jesse Peterson