"Hoàng tử con nhà trời"
Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật (1255-1330) là con trai thứ sáu của vua Trần Thái Tông. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vào năm Kỷ Hợi (1239), vua Trần đi tuần du qua phủ Thiên Trường đã gặp một cô gái trẻ tên là Vũ Thị Vượng, nhan sắc tuyệt trần, giỏi nghề canh cửi, chăm việc ruộng đồng, nổi tiếng cả vùng vừa đẹp người lại đẹp nết.
Thấy cô gái ứng đối thông minh mẫn tiệp, hiểu biết sâu rộng, giỏi nghề nông nên vua rất quý mến. Trần Thái Tông cho làm lễ, đón Vũ Thị Vượng về cung, lập Cung phi thứ năm, hiệu là Vũ phi. Bà Vũ phi chính là mẹ của Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật.
Xung quanh sự ra đời của Trần Nhật Duật có rất nhiều câu chuyện truyền thuyết, cũng theo Đại Việt sử ký toàn thư, “một đêm Vũ phi nằm mộng thấy ngôi sao lớn từ trên không rơi xuống giường nằm của mình, từ đấy bà có mang. Đến giờ Ngọ ngày 10 tháng 4 năm Ất Mão (1255) sinh một hoàng tử, dung mạo khác thường, trên tay Trần Nhật Duật có bốn chữ "Chiêu Văn đồng tử". Vua Trần Thái Tông lấy đó mà đặt tên là Trần Nhật Duật, lại phong hiệu cho ông là Chiêu Văn Vương”.
Hiện thân của người phiên lạc
Ngay từ khi còn nhỏ, Trần Nhật Duật đã nổi tiếng thông minh, hiếu học, hiểu sâu, biết rộng, rất tôn sùng Đạo giáo, thâm sâu kinh điển Đạo gia, thông thạo nhiều ngoại ngữ và phong tục, tập quán các nước láng giềng.
Học tiếng Tống và tiếng Chiêm Thành, Nhật Duật chẳng những sử dụng thành thạo các ngôn ngữ ấy mà còn am hiểu nhiều mặt của các nước đó, kể cả phong tục tập quán của họ. Ông cũng rất hay giao du, thăm hỏi người Chiêm, người Tống trong nước. Vì vậy, khi mới 20 tuổi, đã được triều đình giao đặc trách những công việc về các dân tộc có liên quan.
Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng, có một lần sứ thần nước Sách Mã Tích (tên cổ của nước Singapore) sang cống, nhưng triều đình không tìm được người phiên dịch.
Trần Nhật Duật biết chuyện liền đến gặp sứ thần và nói chuyện trôi chảy bằng thứ ngôn ngữ lạ trong sự thán phục của những người có mặt.
Sau chuyện này, có người hỏi ông vì sao biết được tiếng nước Sách Ma Tích? Ông trả lời “thời vua Thái Tông, sứ nước ấy sang, nhân có giao du với họ, nên hiểu được đôi chút tiếng nước họ”.
Lúc bấy giờ, theo thông lệ, khi sứ phương Bắc sang thì triều đình phải sai phiên dịch viên làm trung gian, tể tướng không được người trực tiếp đối thoại, đề phòng việc xảy ra sai sót gì thì còn có thể đổ lỗi cho người phiên dịch. Nhưng tể tướng Trần Nhật Duật, khi tiếp sứ nhà Nguyên ông thường nói chuyện trực tiếp với họ, khi sứ về nơi nghỉ thì dắt tay cùng vào, ngồi uống rượu vui vẻ như bạn vẫn quen biết.
Chính tiếng Hán lưu loát và sự am hiểu văn hóa Hán đã khiến sứ nhà Nguyên tưởng Trần Nhật Duật là người Hán di cư sang Đại Việt. Vua Trần Nhân Tông cũng đã có lần nói với ông rằng “chú Chiêu Văn (Trần Nhật Duật là chú ruột của vua Trần Nhân Tông) có lẽ là kiếp sau của người phiên lạc nên mới giỏi tiếng các nước đó”.
Thu phục quân nổi loạn nhờ giỏi ngoại ngữ
Năm 1280, Trịnh Giác Mật, một tù trưởng địa phương ở Đà Giang (Hòa Bình ngày nay) nổi lên chống lại triều đình.
Trần Nhật Duật được lệnh đem quân dẹp loạn. Khi đến Đà Giang, Trịnh Giác Mật sai người đưa thư nói: “Giác Mật không dám trái lệnh triều đình, nếu ân chúa dám một mình một ngựa mà đi đến thì Giác Mật xin hàng ngay”. Bất chấp các tướng can ngăn, Trần Nhật Duật nhận lời rồi đem các tiểu đồng cùng đi.
Khi tới đại bản doanh của những kẻ nổi loạn, ông thản nhiên đi giữa hàng lính mặc sắc phục kì dị, lăm lăm gươm giáo được bày ra để dọa dẫm.
Trần Nhật Duật nói với chuyện Giác Mật bằng chính ngôn ngữ và theo đúng phong tục của dân tộc vùng Đà Giang.
Thậm chí, ông còn “ăn bằng tay, uống bằng mũi” như phong tục của họ.
Chính sự hiểu biết về văn hóa của Trần Nhật Duật khiến Trịnh Giác Mật kinh ngạc thốt lên “Chiêu Văn Vương là anh em với ta”.
Sau buổi gặp gỡ, Trịnh Giác Mật đã đem cả gia thuộc đến doanh trại Trần Nhật Duật xin hàng phục triều đình.
Nhờ vâỵ, cả miền Đà Giang đã được Trần Nhật Duật thu phục chỉ bằng sự tinh thông ngôn ngữ và văn hóa dân tộc, không phải đổ một giọt máu nào. Nhà quân sự tài ba Ngoài tài năng nổi bật về vốn kiến thức ngoại ngữ phong phú của mình, Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật còn là một nhà quân sự đại tài, một nhà ngoại giao lỗi lạc, một nhà văn hóa uyên bác trong lịch sử dân tộc.
Ông chính là người chỉ huy quân đội nhà Trần đánh tan đội quân của Toa Đô ở cửa Hàm Tử vào năm vào cuối tháng 4 năm 1285.
Sách Đại việt sử ký toàn thư từng chép rằng “công đánh giặc Nguyên, Nhật Duật lập được nhiều hơn cả”.
Dưới triều vua Trần Minh Tông, Trần Nhật Duật được phong làm Tá Thánh thái sư, đời vua Trần Hiến Tông, ông được phong tước hiệu Chiêu Văn đại vương.
Dù nắm giữ chức vị tể tướng triều Trần, làm quan trải qua 4 triều vua, có công lớn trong đánh giặc, nhưng Trần Nhật Duật luôn giữ được tiết táo thanh cao, nhã nhặn của mình.
Với mọi việc ông đều suy xét kỹ càng, chu toàn, không dựa vào chức tước trong tay để uy hiếp người khác.
Năm 1330, Chiêu Văn đại vương Nhật Duật qua đời, hưởng thọ 75 tuổi.
Tên tuổi và sự nghiệp của ông gắn liền với giai đoạn vinh quang nhất của nhà Trần. Tài năng, đức độ, sự nghiêm minh, ngay thẳng của ông cũng như các tướng văn, võ trong thân tộc nhà Trần góp phần không nhỏ vào sự tồn tại và hưng thịnh của Đại Việt thời kỳ này.
Tiểu Uyên