Phiên giải trình về tuyển dụng, sử dụng giáo viên và tổ chức thi THPT quốc gia do Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tổ chức sáng ngày 24/9. Ảnh: Minh Phong |
Kỳ thi sẽ không phục vụ mục đích "2 trong 1"
Giải thích nguyên nhân tỷ lệ tốt nghiệp cao, Bộ trưởng Nhạ cho rằng có nhiều lý do, trong đó có việc điểm tốt nghiệp dùng điểm thi kết hợp với điểm học bạ để xét.
Bộ trưởng thừa nhận điểm học bạ như chiếc “phao cứu sinh” của học sinh nhưng ông cũng khẳng định sẽ từng bước tiến tới đánh giá điểm học bạ ở một mức độ nhất định, còn lại phải tăng vai trò của điểm thi để kỳ thi có ý nghĩa cao hơn, thực chất hơn.
Về chất lượng đề thi, Bộ GD-ĐT cho hay đề thi năm 2018 chưa thật sự phù hợp với kỳ thi THPT quốc gia; trong đó, có một số câu hỏi thi khó hơn đề thi các năm trước, đặc biệt khó so với yêu cầu của thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Bộ sẽ tiếp tục hoàn chỉnh, tăng cường câu hỏi chuẩn hoá, sát với chuẩn kiến thức THPT.
Ông nói, tới đây, kỳ thi sẽ không phục vụ 2 mục đích, mà chỉ phục vụ mục đích tốt nghiệp phổ thông. “Chúng tôi sẽ cải tiến theo hướng đây là kỳ thi THPT quốc gia, do đó nội dung, mức độ, yêu cầu đạt được phải gắn với THPT quốc gia, miễn là phải phản ánh thực chất, minh bạch công khai. Theo đó, các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả thi là việc của các trường”.
Bộ trưởng thừa nhận, việc giao kỳ thi cho các địa phương tổ chức khiến bệnh thành tích còn kéo dài, tốt nghiệp gần như 100%.
“Tới đây, chúng tôi sẽ cải tiến kỳ thi tốt hơn nhưng vẫn bảo lưu quan điểm cần duy trì kỳ thi quốc gia”.
Ông Nhạ cho rằng, giữ được kỳ thi thi này thì chất lượng dạy học phổ thông sẽ tốt lên, do tâm lý chung là không thi thì không học.
“Vừa rồi có một số môn kết quả quá thấp, không riêng gì môn Lịch sử. Có nhiều nguyên nhân, trước hết là do chất lượng dạy và học có nhiều vấn đề. Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, chúng tôi rất chú trọng đến phương pháp dạy học môn Lịch sử. Chúng tôi xác định đây là vấn đề phải chỉ đạo kiên quyết”– ông Nhạ khẳng định.
Thi trắc nghiệm hạn chế học tủ, học lệch
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời câu hỏi của các đại biểu. Ảnh: Minh Phong |
Bộ trưởng Nhạ đánh giá, nhờ hình thức thi trắc nghiệm mà số thí sinh đăng ký thi các môn khoa học xã hội tăng lên rất cao. “Đó là một điểm tốt thể hiện tính toàn diện, chứ không phải học tủ, học lệch” – Bộ trưởng nói.
Về thi trắc nghiệm môn Toán và các bài thi tổ hợp, Bộ GD-ĐT cho rằng đây là bước đi hợp lý trong lộ trình khoa học từ đổi mới cách thức tổ chức kỳ thi đến đổi mới phương thức thi nhằm đạt được mục tiêu đổi mới thi và tuyển sinh của Nghị quyết 29.
Việc thi theo bài và áp dụng hình thức thi trắc nghiệm với 4/5 bài thi (mỗi thí sinh trong cùng một phòng thi có mã đề thi riêng; kết quả làm bài của thí sinh được chấm bằng máy quét) vừa là hàng rào kỹ thuật đảm bảo ngăn ngừa các tiêu cực có thể xảy ra trong quá trình coi thi, chấm thi lại vừa là một giải pháp quan trọng thực hiện mục tiêu đánh giá toàn diện kết quả học tập của học sinh phổ thông theo tinh thần “học gì thi nấy”.
Bộ GD-ĐT đánh giá, mỗi hình thức thi đều có những ưu điểm và hạn chế riêng. Một trong những hạn chế của đề thi tự luận là không thể phủ rộng phạm vi kiến thức, kỹ năng, từ đó xuất hiện xu hướng “dạy tủ”, “học tủ”, giáo viên cắt xén chương trình đối với các nội dung bị cho là ít quan trọng, ít được đưa vào đề thi. Đây cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến dạy thêm, học thêm; “dạy tủ”, “học tủ”.
Ngược lại, hình thức thi trắc nghiệm cho phép đánh giá phạm vi rộng nội dung kiến thức, kỹ năng; hạn chế được tiêu cực trong coi thi, chấm thi. Tuy nhiên, hình thức thi này đòi hỏi phải có Ngân hàng câu hỏi thi đủ lớn.
Từ năm 2021, có thể thí điểm thi trên máy tính
Ở khâu coi thi, Bộ GD-ĐT cho biết, một số cán bộ coi thi vẫn còn chưa thực hiện hết chức trách của mình, kiểm tra chưa nghiêm: còn để tình trạng thí sinh tô nhầm số báo danh, mã đề, tô mờ các phương án trả lời nên phải chấm thủ công bài thi; thiếu chữ kí của cán bộ coi thi trong phiếu TLTN của thí sinh.
Cá biệt, có Phó Trưởng điểm thi đến từ ĐH, CĐ không ký, ghi rõ họ tên lên tem niêm phong túi đựng bài thi như hướng dẫn tổ chức thi của Bộ GDĐT.
Với khâu chấm thi, còn có hiện tượng thay đổi điểm phúc khảo do cán bộ chấm thi cộng nhầm điểm thi môn Ngữ văn (tại Hội đồng thi Sở GDĐT Nam Định, Phú Yên, Thừa Thiên - Huế); thay đổi điểm do Ban Chấm thi nhập sai điểm môn Ngữ văn (tại Hội đồng thi Sở GDĐT Hậu Giang); thay đổi điểm phúc khảo do lỗi quét phiếu trả lời trắc nghiệm (tại Hội đồng thi Sở GDĐT Nam Định); thay đổi điểm phúc khảo do định dạng phiếu trả lời trắc nghiệm không chuẩn, cán bộ xử lý bài thi trắc nghiệm sửa không hết (tại Hội đồng thi Sở GDĐT Phú Yên).
Đặc biệt, còn để xảy ra tình trạng tiêu cực và gian lận có tổ chức tại một số hội đồng thi (đặc biệt là các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình), gây tâm lý lo ngại trong học sinh và dư luận xã hội.
Trước mắt, năm 2019, Bộ sẽ tăng cường chức năng quản lý nhà nước, vai trò thanh, kiểm tra, giám sát của Bộ GDĐT; tăng cường vai trò giám sát của các trường ĐH, CĐ trong tổ chức thi.
Về kỳ thi THPT quốc gia những năm tới, Bộ GD-ĐT xác định việc tổ chức các bài thi được giữ ổn định như năm 2017. Từ năm 2021 trở đi, các bài thi, môn thi được thiết kế từng bước phù hợp với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Nếu điều kiện cho phép, có thể thí điểm tổ chức cho thí sinh làm bài thi trên máy tính.
Cùng với việc hoàn thiện kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GDĐT sẽ xây dựng và công bố định hướng đổi mới thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ phù hợp với chương trình sách giáo khoa phổ thông mới theo hướng tăng cường phân cấp cho các địa phương và tăng quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học trong tuyển sinh.
Nguyễn Thảo