- Nếu bỏ kỳ thi, chỉ xét học bạ thì vô vàn người có thể làm đẹp, làm mới học bạ. Còn quay trở về mô hình kỳ thi trước đây, sẽ chỉ thấy tốn kém, ầm ĩ, tắc đường.
Các khách mời tham gia trong chương trình. Từ trái sang, TS Văn Đình Ưng - Ủy viên Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, TS. Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội và PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Đó là những băn khoăn mà các chuyên gia giáo dục phân tích mô hình kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển cao đẳng, đại học.
Một kỳ thi THPT cấp quốc gia có tới 12 người bị khởi tố, tạm giam phục vụ công tác điều tra về những gian lận thi cử là điều chưa từng có trong lịch sử ngành giáo dục. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã nhận trách nhiệm về việc này và khẳng định cần có những đổi mới trong công tác thi cử để bịt những lỗ hổng, phòng ngừa những tiêu cực có xảy ra.
Việc đổi mới thi cử như vậy nên tập trung vào những vấn đề gì để đạt được mục đích như trên? Đây chính là những câu hỏi vừa cấp bách vừa lâu dài. Và ngay trong các diễn đàn cộng đồng, vấn đề bỏ hay duy trì kỳ thi vẫn còn đang tiếp tục được tranh luận mạnh mẽ.
Để góp thêm một cái nhìn toàn diện về vấn đề nóng trên, chương trình Bàn tròn trực tuyến kỳ này của VietNamNet đã có buổi thảo luận với các khách mời về chủ đề trên.
Ba khách mời gồm:
- TS. Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội.
- PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
- TS Văn Đình Ưng - Ủy viên Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên phó chánh Văn phòng Bộ GD-ĐT.
Chương trình được đăng tải theo 2 phần. Phần I, các diễn giả thảo luận về mô hình kỳ thi.
Theo PGS.TS Trần Văn Tớp, bất kỳ một kỳ thi nào đều yêu cầu tính khách quan, trung thực nhằm đánh giá năng lực người học.
Ông cho rằng, trường hợp sự cố, sự gian lận nghiêm trọng như vừa xảy ra ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay là chưa từng xảy ra, với sự tiếp tay của người làm quản lý giáo dục nên khiến dư luận rất phẫn nộ!
“Nếu có những người gian lận thì thực chất là lấy đi cơ hội của những người trung thực khác”, PGS.TS nhấn mạnh.
Là đại diện Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, TS. Văn Đình Ưng chia sẻ, ông thực sự bị sốc khi nghe tin xảy ra sự cố gian lận thi cử như vậy.
Trong chương trình, các khách mời cũng cho rằng, tuy công tác thi cử hiện nay vẫn còn những lỗ hổng, tuy nhiên, không thể không áp dụng kỳ thi “2 trong 1 “ như hiện nay bởi những ưu điểm tiết kiệm chi phí, giảm áp lực cho xã hội mà kỳ thi này mang lại.
PGS.TS Trần Văn Tớp nhận định, “Nếu chúng ta tổ chức thi như trước đây thì rất tốn kém, ầm ĩ, tắc đường”.
TS. Văn Đình Ưng thì cho rằng, nếu bỏ kỳ thi và chỉ xét học bạ thì vô vàn người có thể làm lại học bạ mới, đẹp. Như vậy sẽ có đường dây chạy tiền rồi. Cho nên theo ông, phải có một kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia là vì thế.
TS. Phạm Tất Thắng thì cho rằng, hiện nay Luật giáo dục đại học cho phép các trường tự chủ tuyển sinh. Hiện nay, các trường cũng đang thực hiện. Các trường có thể căn cứ kết quả tốt nghiệp THPT quốc gia này, các trường cũng có thể kết hợp xét học bạ, tổ chức thêm các hình thức đánh giá năng lực năng khiếu để chọn thí sinh phù hợp yêu cầu.
Tuy nhiên như những người trong cuộc nếu thì các trường hiện nay chưa thực sự mặn mà với tự chủ tuyển sinh bởi sự tốn kém và rối ren.