Chữ chạy

"Con đường đến với tri thức không dễ dàng, nhưng nếu chúng ta quyết đi sẽ đến được bến bờ tri thức !". Chào mừng các bạn đến với trang thông tin của Võ Hoàng Tâm - GV Khoa Điện Điện tử - Trường Đại học SPKT Vĩnh Long. Trang cung cấp thông tin - tài liệu học tập cho các bạn học viên và sinh viên. Chúc các bạn thành công trên hành trình đi tìm tri thức ...

Đi để trở về với... 4.0

Một cuộc họp hừng hực khí thế để giải đáp câu hỏi: "Giúp Việt Nam cách nào?" Họ mổ xẻ và nhanh chóng phác thảo kế hoạch lan tỏa sức mạnh kết nối của nhân tài Việt trên khắp thế giới. Sẽ không phải là 100 mà có thể là 1.000 người, 1 vạn người...
Đó là buổi gặp cuối cùng trong "Chương trình Kết nối mạng lưới Đổi mới sáng tạo" - một sự kiện đặc biệt đã diễn ra suốt tuần trước, quy tụ 100 nhân tài Việt ở khắp nơi trên thế giới trở về để hiến kế xây dựng Việt Nam thịnh vượng.
Trong tuần này, các trí thức, nhà khoa học trẻ sẽ lần lượt trở lại công việc ở nước ngoài. Nhưng tâm trí họ, ai cũng đau đáu về lời kêu gọi của Thủ tướng "đóng góp tài năng, sức lực, trí tuệ cho đất nước", về thách thức cho vận mệnh quốc gia, Cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ, "nếu không nắm bắt thì sẽ bị tiếp tục tụt hậu", "không có khoa học công nghệ thì đất nước sẽ không thể phát triển, sẽ thất bại!"
Đó là một trọng trách thiêng liêng với bất cứ người Việt viễn xứ nào. 
Xây dựng và chia sẻ cơ sở dữ liệu lớn về nhân tài Việt
Phạm Khắc Hồng Hạnh, cô gái 8x đến từ Thung lũng Silicon, chuyên gia phân tích dữ liệu lớn của hệ thống Airbnb đã kể với tôi: Mỗi ngày ngủ 4-5 tiếng, lịch làm việc dày đặc nhưng cứ rảnh là mọi người lại tranh thủ họp nhau, bàn bạc làm sao để giữ được ngọn lửa này?
Đó là ngọn lửa nhiệt huyết cống hiến, sục sôi với bài toán của quốc gia chưa từng thấy hoặc chưa được biết đến ở những cuộc gặp tương tự trước đây.
Đầu tuần trước, cô đã viết trên trang cá nhân: "Mới cách đây mấy tháng, khi Bộ trưởng (Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng- Bộ KHĐT) qua gặp gỡ với nhóm công nghệ vùng Bay, ai cũng trăn trở làm sao để kết nối, để tạo điều kiện cho các chuyên gia người Việt sinh sống ở nước ngoài đóng góp cho đất nước".

"Giờ, giấc mơ đã bước đầu có cơ sở thành hiện thực!", cô hân hoan chia sẻ.

Mạng lưới kết nối Đổi mới sáng tạo quy tụ 100 nhân tài Việt khắp thế giới sẽ là dấu mốc khởi đầu cho chiến lược kinh tế 4.0 do bộ KHĐT soạn thảo
Hạnh bày tỏ: "Cực kỳ ấn tượng là chỉ trong thời gian ngắn, ban tổ chức đã biến ý tưởng thành hiện thực. Chương trình dày đặc hoạt động từ gặp gỡ trao đổi với Thủ tướng Chính phủ tới gặp các Tập đoàn lớn nhất VN, đi thăm các nhà máy, khu công nghiệp ...".
"Chúng tôi đã bàn về hướng đi và hành động cụ thể. Bước tiếp theo rất quan trọng. Trước mắt, sẽ xây dựng ban đại diện các nước để duy trì kết nối, phát triển mạng lưới", Hạnh nói với tôi.
Tại buổi họp cuối, đoàn đã bầu 10 trưởng ban đại diện các nhà khoa học Việt tại các nước và khu vực như Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Úc, Thụy Sĩ, Canada...
Chia sẻ với VietNamNet, kỹ sư phần mềm cấp cao của Tập đoàn Tesla, Mỹ, Phùng Kim Cương cho biết thêm: "Bước đầu tiên được thống nhất là tìm tiếp các tài năng còn "ẩn danh" trong số 4,5 triệu người Việt đang sống ở nước ngoài".
Từ đó, một hệ thống cơ sở dữ liệu về các nhân tài Việt trên toàn thế giới sẽ được xây dựng, cho phép truy xuất nhiều thông tin cụ thể về lĩnh vực chuyên môn, thành tựu nghiên cứu, các bài báo khoa học, các công trình đã được công bố, nơi làm việc, phương thức liên lạc của mỗi một cá nhân... Sau đó, hệ thống dữ liệu này sẽ được chia sẻ chung cho các Bộ ngành, cho các Tập đoàn, doanh nghiệp quan tâm.
Đồng thời, các nhóm nhà khoa học chuyên ngành cũng được thành lập để trao đổi sâu hơn về các kế hoạch ở Việt Nam, như nhóm về AI, Big Data, về robotics, về an ninh mạng hay nông nghiệp thông minh... Trong đó, nhóm AI sẽ hợp tác với Bộ KHCN chiếm "quân số" đông nhất, khoảng 30 người.  
Dự án nhỏ,  khởi nguồn con đường cống hiến
Một thành viên trong đoàn bật mí: Các nhà khoa học làm việc rất nghiêm túc và trách nhiệm. Họ đã có một kế hoạch đồ sồ cho Việt Nam, nhưng chưa thể công bố ngay!
Nhiều người trong đoàn đã có các cuộc họp với các Bộ và doanh nghiệp để bàn về các dự án cụ thể có thể tham gia.
Với Phạm Khắc Hồng Hạnh, cô đã có một danh sách các đầu việc, dự án tiếp theo để nghiên cứu, trao đổi cho Việt Nam trước khi cô về Mỹ.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gặp gỡ các nhà khoa học trẻ tham gia Mạng lưới kết nối Đổi mới sáng tạo
Kỹ sư Phùng Kim Cương cởi mở hơn, anh tiết lộ đang muốn triển khai càng sớm càng tốt một dự án nhỏ: dạy học lập trình, nâng cao khả năng tư duy cho các em học sinh, sinh viên yêu khoa học máy tính.
Ý nguyện đã có từ lâu, nhưng trong chuyến trở về lần này, Cương đã gặp Nguyễn Văn Quang Huy, một start - up công nghệ đã được Fobes vinh danh là 1 trong 30 người dưới 30 tuổi nổi bật nhất Việt Nam 2018, cùng chí hướng nên đã hợp tác để xúc tiến ngay.
Huy là đồng sáng lập Công ty Holitstics - tuy non trẻ nhưng đã khá thành công trong việc cung cấp dịch vụ xây dựng kho dữ liệu cho doanh nghiệp ở 16 nước. 9x này đồng thời cũng là người góp sức sáng lập Grokking Việt Nam- một sân chơi chia sẻ kinh nghiệm cho các kỹ sư công nghệ phần mềm.
"Trong lĩnh vực lập trình, các kỹ sư hay ghi chép lại sau khi thành thạo một kỹ thuật nào đó và giờ, chỉ cần soạn lại là có thể thành bài viết hay giáo án. Tôi sẽ chia sẻ những bài chuyên sâu ấy giúp các kĩ sư ở Việt Nam nâng cao trình độ hơn nữa. Và các bạn ở Việt Nam có thể tổ chức webinar, meetup để tiếp tục giới thiệu", Cương giải thích.
Trong khi đó, Lynn Hoàng- CEO của Mạng lưới Blockchain Angles cũng đang tất bật với dự án phổ cập và nâng cao kiến thức ứng dụng blockchain tại Việt Nam. Cô đã mở chương trình dạy cho 500 phụ nữ tại Tp HCM và trước mắt, sẽ thúc đẩy dự án mạnh mẽ như một đóng góp hiện hữu đầu tiên ở Việt Nam.
Lynn còn dự định sẽ gửi một bản kiến nghị riêng về thúc đẩy mạng lưới kết nối đổi mới sáng tạo tới Chính phủ Việt Nam sau chuyến trở về lần này.
Thành công lớn nhất của chương trình quy tụ tài năng Việt này không phải ở những lời hứa trở về, những bản hợp tác sẽ được ký mà chính là đã làm bùng lên ngọn lửa cống hiến, tạo sức mạnh kết nối và lan tỏa chưa từng thấy vì một mục tiêu: hiến kế thực hiện CMCN 4.0, con đường ngắn nhất cho Việt Nam thịnh vượng. 
Từ 100 người sẽ là 1.000 người, 1 triệu người... "trở về"! Đi để trở về. Và mỗi hiền tài ấy đang trở về theo cách riêng của mình. 
Phạm Huyền