Chữ chạy

"Con đường đến với tri thức không dễ dàng, nhưng nếu chúng ta quyết đi sẽ đến được bến bờ tri thức !". Chào mừng các bạn đến với trang thông tin của Võ Hoàng Tâm - GV Khoa Điện Điện tử - Trường Đại học SPKT Vĩnh Long. Trang cung cấp thông tin - tài liệu học tập cho các bạn học viên và sinh viên. Chúc các bạn thành công trên hành trình đi tìm tri thức ...

GS Đàm Thanh Sơn được trao Huy chương Vật lý Dirac

 - Trung tâm Vật lý lý thuyết quốc tế vừa trao Giải thưởng và Huy chương Dirac 2018 cho 3 nhà vật lý học nổi tiếng, trong đó có GS Đàm Thanh Sơn của ĐH Chicago, Mỹ.



S Đàm Thanh Sơn hiện đang giảng dạy tại ĐH Chicago, Mỹ
Hai giáo sư còn lại là Subir Sachdev tới từ ĐH Harvard và Xiao-Gang Wen tới từ Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ).
Cả ba nhà vật lý nhận được giải thưởng này nhờ sự đóng góp độc lập tới sự hiểu biết các pha mới lạ trong hệ nhiều hạt tương quan mạnh, giới thiệu các phương pháp liên lĩnh vực (original cross-disciplinary techniques). 3 nhà vật lý nghiên cứu cách cơ học lượng tử tác động tới tập hợp lớn các hạt, hay còn gọi là hệ nhiều hạt.
Hiện tại, các nhà khoa học hiểu cách các định luật của cơ lượng tử tác động lên hành vi của tập hợp nhỏ các hạt, nhưng các vật thể hàng ngày được tạo thành bởi một lượng khổng các hạt, cỡ 10 mũ 23.
Tất cả các hạt tương tác với nhau theo nhiều cách. Các tương tác này khiến liên kết lượng tử đóng vai trò quan trọng, và vì vậy việc áp dụng cơ lượng tử cho các hệ này trở nên rất phức tạp.  
Các kiểu rối lượng tử phức tạp là chìa khóa để hiểu tính chất vĩ mô của vật liệu, đặc biệt khi các hệ nhiều hạt bộc lộ tính chất "emergent" đáng kinh ngạc.
Các nhà khoa học giành Huy chương Dirac năm nay đã sử dụng vốn kiến thức rộng của mình về các lĩnh vực như khoa học vật liệu, hố đen và nguyên tử lạnh để hiểu thêm về các hệ thống nhiều bộ phận, nhằm chứng minh giá trị của phương pháp đa ngành.
“Ba nhà khoa học giành Huy chương Dirac năm nay đều là những người dẫn đầu trong việc sử dụng các phương pháp liên ngành để giải quyết các vấn đề vật lý lý thuyết cụ thể” – giám đốc Trung tâm Vật lý lý thuyết quốc tế (ICTP), ông Fernando Quevedo nhận xét.
Thông báo giải thưởng trên trang ICTP
Ông cũng nói thêm rằng, cả ba nhà khoa học này đều là những tấm gương sáng cho hàng nghìn nhà khoa học đến từ những quốc gia đang phát triển.
"Mặc dù họ đều đang sống ở Mỹ, nhưng tôi rất vui khi biết họ đều đến từ những quốc gia đang phát triển, gần gũi với ICTP và sứ mệnh của trung tâm".
Nhà vật lý Subir Sachdev sinh ra ở New Delhi, Ấn Độ, trong khi ông Xiao-Gang Wen tới từ Bắc Kinh, Trung Quốc.
GS Đàm Thanh Sơn của Việt Nam là người đầu tiên hiểu rằng tính hai chiều của trọng lực có thể được sử dụng để giải quyết các câu hỏi cơ bản trong tương tác các vấn đề nhiều phần. 
Huy chương Dirac của ICTP được trao tặng lần đầu tiên vào năm 1985, lấy theo tên của P.A.M. Dirac – một trong những nhà vật lý học vĩ đại nhất thế kỷ 20. Huy chương được trao tặng thường niên vào ngày sinh nhật của Dirac là 8/8 cho các nhà khoa học có những đóng góp nổi bật trong lĩnh vực vật lý lý thuyết.
Lễ trao giải thưởng sẽ được tổ chức sau đó trong năm nay, trong đó những người nhận giải sẽ trình bày bài giảng về nghiên cứu của mình.
5 nhà khoa học giành giải thưởng Dirac từng chiến thắng giải Nobel và 1 người từng giành giải Fields.
Lịch sử Huy chương Dirac từng trao cho 74 nhà khoa học nam và duy nhất 1 nhà khoa học nữ.
Paul Adrien Maurice Dirac (1902 - 1984) là một nhà vật lý lý thuyết người Anh, được đánh giá là một trong những nhà vật lý xuất sắc nhất thế kỷ 20.
Dirac có những đóng góp mang tính nền móng cho sự phát triển ban đầu của cả cơ học lượng tử và điện động lực học lượng tử. Một trong những khám phá quan trọng của ông là phương trình Dirac. Phương trình này miêu tả dáng điệu của các fermion, từ đó dẫn đến tiên đoán về sự tồn tại của phản vật chất. Ông cùng với Erwin Schrödinger đã được nhận giải Nobel vật lý năm 1933.
Ông từng là giáo sư Lucas về Toán học ở ĐH Cambridge, là thành viên của Trung tâm Nghiên cứu lý thuyết, ĐH Miami. Ông được bạn bè và đồng nghiệp nhận xét là một người có tính cách bất thường.
GS Đàm Thanh Sơn: Tài 'đánh hơi' và không hời hợt
Phóng viên: Theo ông, đặc điểm nổi bật nhất của GS Đàm Thanh Sơn là gì?
GS Đàm Trung Đồn: Đây là một con người rất ham hiểu biết về khoa học.
Ở nhà khi nhỏ ít thấy con hoạt động chân tay, bố mẹ đã tạo điều kiện để Sơn ra ngoài đá bóng với trẻ con cùng lứa, nhưng chỉ được một lúc lại thấy ra ngồi tính toán.
Một điểm thứ hai của Sơn là không tìm hiểu sự kiện một cách hời hợt, bao giờ cũng đi sâu ngọn ngành. Một lần đến chơi nhà, thấy tôi đang làm thí nghiệm, Sơn ra ngồi xem, sau đó lẳng lặng lấy giấy bút ra tính toán... Đó là cách làm việc hiếm có, ngay từ khi Sơn còn rất ít tuổi.
Trên blog Sơn ra những bài toán cực kỳ hay, mang ý nghĩa vật lý rõ ràng.
Đặc điểm nữa là làm vật lý lý thuyết nhưng không ai “bịp” được Sơn về hiện tượng vật lý. Trong vật lý, tính toán chỉ là cách diễn đạt tinh thần của mình, còn đúng hay không đúng phải kiểm chứng bằng thực nghiệm. Khi đó tính toán kia mới có ý nghĩa.
Sơn rất có tài “đánh hơi” sự kiện vật lý. Một sự kiện vật lý có rất nhiều khả năng có thể diễn ra, nhưng Sơn có linh tính, cảm nhận chính xác về hướng đi mà sự kiện phải theo.
Tôi dạy vật lý từ năm 1956 đến nay, dạy rất nhiều học sinh năng khiếu, phụ trách hệ sinh viên tài năng trong trường đại học. Nhưng tôi thấy rất hiếm sinh viên có được sự kết hợp hai khả năng tính toán và cảm nhận vật lý, như Sơn. Có lẽ chỉ được vài ba em.
GS vật lý Trương Nguyên Trân (trường Ecole Polytechnique – Pháp), từng nói rằng, nếu Việt Nam cần người phát triển vật lý thì tốt nhất là kéo Đàm Thanh Sơn về hỗ trợ.
Trích phỏng vấn của VietNamNet với GSGS vật lý Đàm Trung Đồn, nguyên chủ nhiệm bộ môn Vật lý chất rắn - khoa Vật lý, nguyên trưởng ban điều hành hệ đào tạo cử nhân khoa học tài năng (Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG Hà Nội), chia sẻ về “cậu cháu” nổi tiếng Đàm Thanh Sơn, tháng 5/2014.
Một số đề vật lý từ blog của GS Đàm Thanh Sơn:
Có bõ công không? 
Một con chim đậu trên một cành cây. Nó nhìn thấy một hạt (ăn được) ở trên mặt đất. Hạt phải to bao nhiêu thì mới bõ công bay xuống để ăn?
Sữa để miệng mèo
Cơ chế mèo uống nước (và nói chung các chất lỏng) rất lạ: Như các bạn thấy, mèo không dùng lưỡi như cái thìa, mà nhúng lưỡi xuống nước, kéo lưỡi lên tạo ra một cột nước, rồi nuốt một phần nước từ cột nước đó.
Bài tập: ký hiệu khoảng cách giữa miệng mèo và mặt nước là ℓ, đánh giá tần số thè lưỡi tối ưu của con mèo.
Thằn lằn Jesus Christ
Loại thằn lằn này sống ở Trung Mỹ và Nam Mỹ. Các bạn xem đoạn phim này sẽ biết tại sao nó lại được gọi như vậy.
Bài tập: Nếu là người mà muốn đi trên nước như vậy thì phải đi với tốc độ bao nhiêu thì không mới bị chìm?
Chi Mai