Trước thực tế là điểm thi THPT quốc gia năm nay thấp hơn năm trước, nên nhiều trường đại học top dưới, hoặc một số ngành học khó có đầu ra của các trường đại học, mặc dù đã dự tính về điểm song vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu đăng ký tuyển sinh năm học 2018-2019 với Bộ Giáo dục và Đào tạo, và các trường/ngành này buộc phải thông báo hạ điểm chuẩn xét tuyển vào trường.
Đáng chú ý, nhiều trường đại học trước đó cũng đã thông báo mức điểm chuẩn vào một số ngành học trong trường chỉ từ 13 điểm (xét theo tổ hợp điểm thi THPTQG 2018, điểm chuẩn là tổng điểm của 3 môn thi/bài thi, không nhân hệ số và đã bao gồm điểm ưu tiên khu vực, đối tượng) như: nhiều ngành của Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có điểm trúng tuyển 13; Đại học khoa học - Đại học Thái Nguyên đã đưa ra phổ điểm trúng tuyển là 13,5-16 điểm cho các ngành đào tạo; tất cả ngành học của Đại học Tài chính - Kế Toán đào tạo tại Quảng Ngãi đều có điểm trúng tuyển là 14, tại phân hiệu Thừa Thiên Huế là 13; điểm chuẩn của trường Đại học Kinh tế, Đại học Nông Lâm (Đại học Huế) có điểm chuẩn thấp nhất từ 13 điểm…
Để hạn chế việc hạ điểm xét tuyển đầu vào xuống quá thấp, ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo sinh viên, đại diện Bộ GDĐT, Phó Vụ trưởng vụ Giáo dục đại học Trần Anh Tuấn yêu cầu các trường đại học không được hạ điểm chuẩn quá thấp để “vét” thí sinh và nếu để xảy ra sai phạm, Bộ GDĐT sẽ có biện pháp xử lý.
Ông Trần Anh Tuấn cũng cho biết một số trường có điểm trúng tuyển thấp có thể là do số thí sinh đăng ký vào một số ngành đào tạo của trường ít, vì vậy nếu có hạ điểm xuống mức sàn mà các trường đã thông báo trước đó thì cũng chưa đủ chỉ tiêu đăng ký xét tuyển, tuy nhiên không vì thế mà các trường được hạ thấp điểm chuẩn xuống dưới mức sàn để tuyển cho đủ chỉ tiêu, và nếu phát hiện ra trường nào vi phạm thì Bộ sẽ kiểm tra và xử lý nghiêm, theo thông tin trên báo Vov.
Minh Vy (t/h)