Chữ chạy

"Con đường đến với tri thức không dễ dàng, nhưng nếu chúng ta quyết đi sẽ đến được bến bờ tri thức !". Chào mừng các bạn đến với trang thông tin của Võ Hoàng Tâm - GV Khoa Điện Điện tử - Trường Đại học SPKT Vĩnh Long. Trang cung cấp thông tin - tài liệu học tập cho các bạn học viên và sinh viên. Chúc các bạn thành công trên hành trình đi tìm tri thức ...

Bộ trưởng TN&MT: Đập thuỷ điện Lào bị vỡ cách Việt Nam 700km

Bộ trưởng TN&MT, Chủ tịch UB sông Mekong Việt Nam Trần Hồng Hà cho biết, đập thủy điện ở Lào vừa bị vỡ nằm trên nhánh phụ, cách nhánh chính khoảng 200km, cách Việt Nam khoảng 700km. 
Ông Trần Hồng Hà chia sẻ với VietNamNet chiều nay, văn phòng UB sông Mekong Việt Nam đã nắm đầy đủ thông tin bên phía Lào về sự cố vỡ đập thủy điện Sepien Senamnoi.

Đập thủy điện Sepien Senamnoi bị vỡ, nhà cửa bị nhấn chìm. Ảnh: ABC Laos News
Đây là nhà máy thủy điện quy mô trung bình, công suất khoảng 500MW; khả năng tích nước trên 1 tỷ m3  và nằm ở dòng nhánh chứ không phải trên dòng chính. Từ dòng nhánh này ra dòng chính khoảng 200km và cách VN khoảng gần 700km. Việc vỡ đập rất đáng tiếc, nó là bài học với Lào trong việc quản lý sự cố các đập thủy điện. 
Bản đồ các đập thủy điện trên sông Mekong
Mực nước dâng lên bên phía VN theo đánh giá sơ bộ ban đầu chưa lớn, vẫn đang tiếp tục theo dõi. Việc trước mắt là cứu hộ cứu nạn, sẽ có những thông báo để người dân VN biết để chia sẻ với nhân dân Lào.
Ông Hà cũng cho hay, trong các thỏa thuận sông Mekong có quy định liên quan phải tham vấn trước về những công trình xây dựng trên dòng sông này. Chúng ta đã có nhiều nghiên cứu chung của các thành viên trong ủy hội liên quan đến tác động tổng hợp từ những công trình ở thượng nguồn, nhiều nước cũng có hỗ trợ.
VN cũng có một nghiên cứu độc lập đánh giá tác động tổng hợp của hệ thống các bậc thang quy hoạch các nhà máy thủy điện ở thượng lưu các nước để từ đó đưa ra các tham vấn cụ thể đối với từng nhà máy thủy điện.
“Đương nhiên, trong các tham vấn cụ thể, sự cố là vấn đề trung tâm của sự quan tâm trong việc thiết kế đập, các nguyên nhân xảy ra sự cố. Đập thủy điện Sepien Senamnoi đang trong giai đoạn tích nước, chưa vận hành. Các nước thành viên sẽ nghiên cứu xem nguyên nhân xảy ra sự cố là gì, ở đâu”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Đập thủy điện Sepien Senamnoi ở tỉnh Attapeu, đông nam Lào, dung tích chứa trên 1 tỷ m3. Đập thuỷ điện này bắt đầu xây dựng từ tháng 2/2013, dự kiến hoàn thành năm 2018 nhưng tiến độ xây dựng chậm nên phải sang năm 2019 con đập này mới đi vào hoạt động. Đập bị vỡ trong giai đoạn đang thi công, nhà máy này dự kiến bán điện chủ yếu cho Lào. Tổng đầu tư khoảng 1,2 tỷ USD.
Bài học của Việt Nam
PGS.TS Đào Trọng Tứ, nguyên Phó tổng thư ký UB sông Mekong VN nhận định: “Vỡ đập thuỷ điện Lào là câu chuyện cảnh báo cho việc xây dựng thuỷ điện sông Mekong. Vấn đề xây dựng các đập thuỷ điện ở thượng nguồn sông Mekong là điều rất đáng lo ngại cho hạ lưu. 
PGS.TS Đào Trọng Tứ
Việt Nam là nước cuối cùng ở hệ thống sông Mekong, chúng ta phải gánh chịu toàn bộ hậu quả từ các đập thuỷ điện thượng nguồn nếu xảy ra sự cố. Bởi vì các nước như Lào, Campuchia, Trung Quốc đều xây dựng rất nhiều đập lớn bé trên thượng nguồn”.
“Đây là lời cảnh báo rất lớn đối với câu chuyện thuỷ điện. Còn nhớ cách đây một thời gian, khi đồng bằng sông Cửu Long khô hạn, chúng ta có đề nghị Trung Quốc xả nước để giải hạn với lưu lượng khoảng 1.800m3/giây. Chỉ với lượng xả như vậy có thể giải hạn cho đồng bằng sông Cửu Long. Nay nước từ đập thuỷ điện Sepien Senamnoi đổ về với lưu lượng hàng vạn m3/giây sẽ làm tăng mực nước đột ngột, sau vài ngày sẽ tác động tới VN”, PGS.TS Đào Trọng Tứ nhấn mạnh .
Ở VN, Bộ NN&PTNT mới công bố hiện nay có khoảng 1.200 hồ chứa thuỷ lợi đang xuống cấp nghiêm trọng. Chúng ta cũng đang trong thời điểm mùa mưa, bão, lũ, chính vì vậy trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong phòng ngừa, phòng chống thiên tai là rất lớn. Nhà nước cần quan tâm dành nguồn kinh phí để tu sửa các hồ chứa thuỷ lợi đó.
PGS.TS Đào Trọng Tứ cho rằng, chúng ta cần dành nhiều quan tâm hơn nữa cho công tác di dân khi vùng nguy hiểm có nguy có lũ quét, sạt lở, cần phải làm quyết liệt để người dân có nơi an cư. Không để tình trạng cứ xảy ra sự cố mới bắt đầu đi giải quyết. Hay như tình trạng xói lở bờ sông ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, tính mạng người dân không thể chờ làm xong kè bờ mới đảm bảo. Cần quy hoạch và di dời dân ngay khỏi những điểm đen đó để tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc.