Trường Đại học SPKT Vĩnh Long được thành lập theo Quyết định số số 2152/QĐ-TTg, ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy sinh sau đẻ muộn nhưng Nhà trường lại sở hữu một bề dày truyền thống với hơn 55 năm xây dựng và trưởng thành, luôn cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, công nghệ kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, sáng tạo và chuyển giao các kết quả nghiên cứu cho các tổ chức, doanh nghiệp và xã hội. Tạo môi trường thuận lợi để sáng tạo, nuôi dưỡng, phát triển tài năng trong các lĩnh vực giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực. Để có được những thành quả đó, Nhà trường là luôn coi trọng chất lượng, hiệu quả trong đào tạo; khuyến khích sáng tạo, nuôi dưỡng say mê; không ngừng mở rộng liên kết đào tạo; thúc đẩy hợp tác cũng như luôn đảm bảo hài hòa, phát triển bền vững.
Nằm gối đầu trên hai triền sông với bốn mùa xanh tươi cây trái, in bóng dưới dòng chảy êm đềm của hai con sông Tiền và sông Hậu – hai trong chín nhánh phù sa của dòng Cửu Long hùng vĩ – là Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long. Theo sách phong thủy thì đấy là nơi vượng thổ hưng nghiệp. Không biết có phải như vậy không mà suốt hơn 55 năm nay, từ chỗ là Trường Trung học Kỹ thuật Vĩnh Long chuyên đào tạo công nhân kỹ thuật, đến chỗ phấn đấu trở thành Trường Cao đẳng Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long chuyên đào tạo giáo viên dạy nghề, và nay đã phát triển, trở thành Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long – là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nghệ hàng đầu của Việt Nam trong các lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, đánh giá kỹ năng nghề, đào tạo đội ngũ viên dạy nghề và nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao ngang tầm với các trường đại học lớn ở trong cả nước và khu vực ASEAN.Ngôi trường gối đầu trên hai triền sông Tiền sông Hậu
Chặng đường phấn đấu gian khổ nhưng cũng đầy vinh quang ấy của nhiều thế hệ thầy và trò đã cung cấp cho đời nhiều cây lành và trái ngọt, được xã hội, được ngành giáo dục và Nhà nước tín nhiệm, thừa nhận. Đó là phần thưởng xứng đáng nhất mà bất cứ một ngôi trường nào, bất cứ một cấp học nào cũng mơ ước và hướng tới.
Trong năm học 2016-2017 này, mặc dù đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, nhưng tập thể sư phạm nhà Trường đang cố gắng hết sức để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chiến lược của Đề án quy hoạch phát triển Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, quyết tâm thực hiện đúng giá trị cốt lõi của Nhà trường theo phương châm: “Tri thức – Sáng tạo – Hội nhập – Phát triển”.
Có thể nói nhờ kinh nghiệm được tích lũy, được thực tế kiểm nghiệm, tinh lọc trong hơn 55 năm đào tạo nguồn nhân lực đã qua, đặc biệt là mô hình đào tạo đa ngành, đa trình độ luôn đáp ứng được yêu cầu của xã hội, vì vậy Nhà trường không những không gặp phải tình trạng bế tắc trong công việc tìm kiếm mô hình phát triển, mà ngược lại, mô hình ấy lại được bổ sung nhiều nhân tố mới, nhiều nhân tố tích cực phù hợp với yêu cầu thời đại và sự phát triển của xã hội nói chung và của khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.
Đấy là từng bước hoàn thiện công đoạn vô cùng quan trọng: trong giai đoạn đầu tiên kể từ ngày có quyết định nâng thành Đại học, trường đã tổ chức lại guồng máy hoạt động: sắp xếp tổ chức nhân sự, thành lập các phòng, khoa, trung tâm, bộ môn và hoạt động đúng theo chức năng. Để thực hiện những công việc này, hiện nay trường có một đội ngũ cán bộ, viên chức là 210 người, trong đó có 175 cán bộ giảng dạy, chiếm 81% tổng số cán bộ, viên chức toàn trường. Nhà trường có một nhà khoa học được Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước phong tặng Chức danh Phó Giáo sư. Nhà trường hiện có 06 Tiến sĩ, có 109 Nghiên cứu sinh và Thạc sĩ, và không ngừng được tăng về số lượng, ổn định và nâng cao về chất lượng.
Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long là nơi không có ranh giới giữa thực tiễn và trường đại học
Chất lượng là vấn đề sống còn của bất cứ ngành nghề, lĩnh vực nào. Đối với Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long, đó là sức mạnh, là ưu tiên số một, là nhiệm vụ hàng đầu, là chìa khóa mở cánh cửa tương lai. Tại Hội nghị cán bộ, viên chức năm 2017, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường, PGS-TS Cao Hùng Phi đã nhấn mạnh: “Khi toàn nhân loại trên Thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo là nhiệm vụ bắt buộc và là mục tiêu số một của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long, nhất là trong bối cảnh đổi mới toàn diện nền giáo dục và đào tạo, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế. Trong đó phải phát huy sức mạnh truyền thống của Nhà trường: Chú trong học đi đôi với hành, gắn lý thuyết với thực tiễn. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội. Để thực hiện được nhiệm vụ đó, nhất thiết phải liên hệ chặt chẽ với các hoạt động khác, đặc biệt là nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, xây dựng đội ngũ, đổi mới phương thức quản lí và các điều kiện thiết yếu phục vụ tốt nhất cho nhiệm vụ đào tạo”.
Để cụ thể hóa nhiệm vụ đó cũng như xây dựng một đội ngũ giáo viên luôn đáp ứng được yêu cầu về số lượng và chất lượng, nhà trường đã xây dựng kế hoạch, thực hiện quy hoạch bồi dưỡng, đào tạo tại các chương trình nâng chuẩn giảng viên, các lớp các bộ quản lý giáo dục, bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ,... nhằm đáp ứng tốt nhất nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học trong nhà trường.
Trường đại học đa ngành, đa cấp độ ngang tầm quốc tế
Năm 2017 là năm thứ hai Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long thực hiện chiến lược của Đề án quy hoạch phát triển Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Hiện tại, trong nhà trường đang tổ chức đào tạo 25 ngành trình độ Thạc sỹ, 19 ngành trình độ đại học và 35 ngành bậc cao đẳng. Sản phẩm của nhà trường là đội ngũ giáo viên dạy nghề và cán bộ kỹ thuật đã phát huy được những phẩm chất đạo đức, kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực hành nghề, để trở thành những hạt nhân thật sự tại đơn vị công tác. Nhiều người đã trưởng thành, đảm nhận những trọng trách quan trọng ở các trường kỹ thuật, các trường nghề, các trung tâm dạy nghề, cũng như giữ các vị trí chủ chốt trong các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước. Song song với hoạt động đào tạo, hiện nay Trường còn thường xuyên tổ chức các khóa bồi dưỡng Sư phạm dạy nghề, tổ chức nhiều khóa bồi dưỡng kỹ năng dạy thực hành cho các cơ sở. Trường đã và đang hỗ trợ về phương pháp dạy học bộ môn, đào tạo và phát triển đội ngũ giáo viên dạy nghề, liên kết đào tạo cao đẳng, đại học tại các tỉnh: Long An, Đồng Tháp, Trà Vinh, Kiên Giang, Bến Tre, An Giang, Gia Lai, Đồng Nai. Cho tới nay, mô hình liên kết, liên thông đào tạo đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và góp phần chuẩn hoá đội ngũ giáo viên cho hệ thống các trường cả khu vực miền Tây và miền Đông Nam bộ. Bên cạnh đó, trong những ngày đầu tháng 6/2017 này, tập thể sư phạm nhà Trường rất vinh dự và tự hào khi được Bộ Giáo dục và Đào tạo tin tưởng và lựa chọn tham gia vào dự án đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên công nghệ, hướng nghiệp phổ thông. Đây được xem là cơ hội cũng như là thách thức mà tập thể nhà trường phải hoàn thành, từng bước khẳng định vai trò của mình đối với sự nghiệp đổi mới nền giáo dục và đào tạo Việt Nam theo tinh thần nghị quyết của Đảng.
Các dự án quốc tế đã và đang triển khai mạnh mẽ
Song song với công tác đào tạo, hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học – công nghệ trong những năm vừa qua có nhiều khởi sắc, luôn được lãnh đạo Nhà trường quan tâm, động viên và tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động. Nhiều đề tài NCKH đã được ứng dụng ngay trong quá trình giảng dạy và học tập. Nhiều bài báo khoa học của giảng viên đã được đăng trên các ấn phẩm khoa học trong nước và quốc tế. Hoạt động hợp tác quốc tế trong đào tạo và chuyển giao công nghệ luôn được chú trọng, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt là trong hoạt động liên kết đào tạo, bồi dưỡng tại các dự án xây dựng phương tiện và phát triển phương pháp dạy học như Dự án Switcontact của Thụy Sĩ, Dự án Nâng cao năng lực đội ngũ GVDN của tổ chức Inwent - Cộng hòa Liên bang Đức, Dự án APEFE của Vương quốc Bỉ, Dự án IOF của công đồng quốc tế Pháp ngữ, ... Chính nhờ những dự án này mà đội ngũ giảng viên của nhà trường đã trưởng thành về nhiều mặt, chất lượng đào tạo được nâng lên, một số giảng viên được mời làm giám khảo Hội thi tay nghề ASEAN, từng bước đưa nhà trường hội nhập sâu rộng cũng như ngày càng nâng cao uy tính của giảng viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long đối với nền giáo dục của khu vực.
Quá trình hội nhập với các trào lưu đổi mới mạnh mẽ trong giáo dục hiện đại đang diễn ra trên quy mô toàn cầu, tạo cơ hội thuận lợi cho Nhà Trường tiếp cận với các xu thế và triết lý giáo dục hiện đại; tận dụng các kinh nghiệm quốc tế để đổi mới và phát triển, từng bước khẳng định trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long là nơi không có ranh giới giữa thực tiễn và trường đại học, cũng như tiếp tục khẳng định sức mạnh đặc thù của nhà trường trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội, làm thu hẹp khoảng cách phát triển Trường Đại học học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long với các trường đại học trong khu vực và cả nước, tạo điều kiện cho Nhà trường có thể liên kết với các cơ sở giáo dục đại học trong và ngoài nước đào tạo đội ngũ giảng viên có trình độ cao, trao đổi nhiều vấn đề học thuật và tiếp thu kinh nghiệm quản lý để từng bước xác lập hướng phát triển, nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực. Để chủ động nắm bắt được những vận hội và quy luật đó, đòi hỏi Đảng ủy, Ban Giám hiệu cùng tập thể sư phạm Nhà trường quyết tâm, xóa nhòa mọi ranh giới, khoảng cách và thách thức nhằm phát triển hơn nữa Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long, xứng đáng với những trọng trách mà Đảng, Nhà nước và xã hội đã tin tưởng.
Hiệu trưởng