Tham dự Đối thoại, về phía Việt Nam có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Đại diện Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ; Đại biểu các Bộ, Ban, ngành Trung ương: Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, một số trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp. Về phía đại biểu quốc tế có, Tổng Giám đốc Ban thư ký APEC Allan Bollard; Thứ trưởng, Hội đồng Phát triển Quốc gia, Đài Bắc Trung Hoa (Đài Loan) Minghsin Kung; Phó Giám đốc phụ trách khu vực châu Á Thái Bình Dương của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) David Lamotte; Chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới Wendy Cunningham;… và một số quan chức cấp cao khác của các nhóm làm việc APEC, các chuyên gia và lãnh đạo các doanh nghiệp lớn thuộc APEC.
Phát biểu khai mạc Đối thoại, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung chia sẻ, hiện nay, chúng ta đang sống trong thời đại khi tiến bộ khoa học công nghệ đang tác động mạnh mẽ lên toàn bộ đời sống, kinh tế, chính trị và xã hội. Đối với việc phát triển nguồn nhân lực, chúng ta đều nhận thức được rằng ứng dụng công nghệ và số hóa là một cơ hội mới góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng suất lao động, tăng sản lượng kinh tế, tạo điều kiện cho sự ra đời và phát triển của các mô hình kinh tế mới, thị trường mới, tạo ra những cơ hội việc làm cho người lao động.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nhận định, sự tiến bộ khoa học “cũng đặt ra không ít thách thức mới do sự gia tăng tính phân đoạn trong quy trình sản xuất, chế tạo, do ngày càng có nhu cầu các nghề và kỹ năng mới, do những thay đổi phát sinh trong thị trường lao động và quan hệ lao động. Việc nắm bắt những cơ hội trong Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 chủ động điều chỉnh và thực hiện các chính sách về việc làm và đào tạo nghề; theo dõi kỹ quá trình, ứng phó những thách thức đối với nền kinh tế của chúng ta trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực”.
Từ thực tế đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã đặt ra trách nhiệm và nghĩa vụ của các nền kinh tế thành viên APEC, là phải tăng cường các nỗ lực đảm bảo việc làm bền vững và chất lượng cho tất cả mọi người, đặc biệt là các nhóm yếu thế bằng cách hỗ trợ tiếp cận hệ thống giáo dục và dạy nghề bao trùm, có chất lượng. Hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội và tăng cường hợp tác khu vực. Đây là “mối quan tâm và cam kết của các nhà lãnh đạo của các nền kinh tế APEC năm nay”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung kết luận.
Trong bối cảnh đó, Đối thoại chính sách cao cấp APEC về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số là bằng chứng về sự cam kết của các nhà lãnh đạo APEC nhằm tăng cường và thúc đẩy hợp tác trong diễn đàn về phát triển nguồn nhân lực, phù hợp với nhu cầu phát triển và yêu cầu của người lao động cũng như người sử dụng lao động, nhằm vun đắp tương lai chung, vì một APEC năng động, hòa bình, ổn định, tin tưởng, có khả năng thích ứng với những biến đổi kinh tế, tài chính và những thách thức từ thiên nhiên do con người gây ra.
Dự lễ khai mạc Đối thoại, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đồng tình với các phát biểu của Bộ Trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung. Theo Phó Thủ tướng, những tiến bộ công nghệ kỹ thuật số đang tác động rất lớn đến tất cả mọi lĩnh vực, mọi thành phần thuộc các nền kinh tế APEC, thậm chí là thành phần lao động kinh tế giản đơn – nhóm lao động chiếm đến 40% ở Đông Á và 50% ở Nam Á và Thái Bình Dương. Tỷ trọng đóng góp của kinh tế số vào tăng trưởng kinh tế trong những năm gần đều cao. Có những dự báo, trong những năm tới đây, tỷ trọng này sẽ còn cao hơn nữa. Đây cũng là xu hướng mới, làm thay đổi cơ cấu ngành nghề của các nền kinh tế. Một số nghề cũ sẽ mất đi, một số nghề mới phù hợp với xu hướng sẽ xuất hiện, buộc các nền kinh tế APEC phải thay đổi theo, điều chỉnh các chính sách, chương trình đào tạo giáo dục và dạy nghề phù hợp với xu hướng này.
“Với tư cách là nước chủ nhà, Việt Nam đang phối hợp với Hiệp hội các trường đại học vành đai Thái Bình Dương để thúc đẩy sự kết nối giữa các trường đại học trong mạng lưới này, đảm bảo sự hợp tác thực chất hơn giữa các thành viên APEC và với cộng đồng doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, “Đối thoại lần này với chương trình nghị sự bao quát và quan trọng nhất, như tương lai việc làm, đổi mới giáo dục, hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội, chúng ta cùng nhau chia sẻ thuận lợi, khó khăn, cơ hội và thách thức, chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm, để chúng ta có được những đề xuất, khuyến nghị chung nhằm tận dụng tốt cơ hội đang đặt ra trước mặt của chúng ta. Đồng thời vẫn phải đảm bảo các yêu cầu phát triển bao trùm, bền vững, bình đẳng về lao động, việc làm xã hội”.
Kết thúc bài phát biểu của mình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: “Chúng ta tin rằng Đối thoại thành công sẽ góp phần quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực trong khu vực APEC, tạo động lực mới trong khu vực nhằm góp phần cùng với các hoạt động khác, để Diễn đàn và các thành viên APEC cùng chung tay tăng cường hợp tác, vì hòa bình thịnh vượng trong khu vực và toàn thế giới; cùng nhau phấn đấu thực hiện, hoàn thành các mục tiêu của các chương trình nghị sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng khẳng định Việt Nam sẽ làm hết sức để hoàn thành vai trò nước chủ nhà APEC 2017, tạo điều kiện tốt nhất cho các đại biểu tham gia có được Đối thoại thành công.
Trước đó, để chuẩn bị cho Đối thoại chính sách cao cấp, vào ngày 13 và 14/5, các đại biểu Nhóm Công tác phát triển nguồn nhân lực (HRDWG) đã nhóm họp. Tại cuộc họp ngày 13/5, các thành viên trao đổi kỹ lưỡng công tác chuẩn bị cả về tổ chức và nội dung của Đối thoại vào ngày 15/5 tới.
Trong ngày 14/5, HRDWG đã họp phiên toàn thể. Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp đã tham dự và phát biểu khai mạc, nhấn mạnh chìa khóa của sự phát triển năng động của châu Á – Thái Bình Dương chính là nguồn nhân lực dồi dào với trình độ tay nghề kỹ thuật cao cùng sự hợp tác chặt chẽ của các nền kinh tế thành viên. Nội dung thảo luận của cuộc họp chủ yếu xoay quanh công tác chuẩn bị cho Đối thoại chính sách cấp cao về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số cũng như rà soát việc triển khai các chiến lược và kế hoạch hoạt động của nhóm trong thời gian tới.