Chữ chạy

"Con đường đến với tri thức không dễ dàng, nhưng nếu chúng ta quyết đi sẽ đến được bến bờ tri thức !". Chào mừng các bạn đến với trang thông tin của Võ Hoàng Tâm - GV Khoa Điện Điện tử - Trường Đại học SPKT Vĩnh Long. Trang cung cấp thông tin - tài liệu học tập cho các bạn học viên và sinh viên. Chúc các bạn thành công trên hành trình đi tìm tri thức ...

Mạch nguồn ổn áp dùng transistor


Trên bàn thợ của Bạn luôn phải có hộp nguồn DC, nếu thích Bạn có thể tự ráp mạch nguồn DC theo sơ đồ mạch điện trên. Ở ngả vào, Bạn có biến áp T1, công dụng của biến áp này là giảm áp AC và tạo tính cách ly board mạch với đường nguồn AC, nhờ vậy giữ an toàn cho người sử dụng. Cầu chì F1 dùng ngắt dòng khi trong mạch bị quá dòng. Điện áp 12V lấy ra trên cuộn thứ cấp cho qua cầu 4 diode D1...D4 để nắn dòng toàn kỳ, dòng điện xoay chiều dạng Sin được đổi ra dòng điện một pha dạng xung. Dòng này cho nạp vào một tụ hóa lớn C1, công dụng của tụ là làm giảm độ dợn sóng, nâng cao mức nguồn DC và ổn định dòng điện cấp cho tải. Chúng ta dùng Led đỏ D5 làm Led chỉ thị và lấy mức áp 2V trên Led dùng làm mức áp mẫu cấp cho cầu đo. Điện trở R1 có công dụng hạn dòng. Transistor Q1, Q2 là 2 transistor ghép dạng phức hợp để có công suất đủ lớn và có độ nhậy đủ cao. Q3 là transistor khuếch đại tín hiệu của cầu đo. Câu đo dùng theo dõi mức áp biến động trên tải, cầu đo gồm có điện trở R3, chiết áp R5, và R4, đây là cầu chia volt lấy một phần mức volt trên tải để cấp cho chân B của Q3, trong khi đó chân E của Q3 cho lấy mức áp mẫu không đổi. Tụ hóa C2 tạo ổn áp ngả ra và trên ngả ra chúng ta dùng Led xanh D6 với điện trở định dòng R6 để báo có nguồn ra.

Nguyên lý ổn áp của mạch như sau:

* Khi tải nặng, mức áp trên tải có chiều hướng giảm xuống, điều này sẽ làm cho mức áp trên chân B của Q3 giảm theo, trong khi đó mức áp trên chân E không thay đổi, vậy transistor Q3 sẽ dẫn yếu, mức volt trên chân C của Q3 sẽ tăng lên, vậy mức áp trên chân B của Q2 bị đẩy lên, điều này sẽ không cho mức áp trên tải giảm xuống, chúng ta biết mức áp trên tải cũng là mức áp trên chân E của Q1, mức áp này luôn tăng giảm theo mức áp của chân B của Q2.

* Lý luận ngược lại, khi tải nhẹ, mức áp trên tải có chiều hướng tăng cao, điều này làm tăng mức áp trên chân B của Q3, transistor Q3 sẽ dẫn điện mạnh hơn, mức áp trên chân C của Q3 sẽ giảm xuống, nó kéo mức áp trên chân B của Q2 xuống và như vậy sẽ không cho mức áp trên tải tăng lên.

Khi Bạn chỉnh chiết áp R5, Bạn đã làm thay đổi mức volt trên chân B của Q3, như vậy sẽ làm thay đổi mức volt trên chân C của Q3 hay thay đổi mức volt trên chân B của Q2, và điều này sẽ làm thay đổi mức áp trên chân E của Q1, và đã làm thay đổi mức áp DC trên ngả ra. Trong vận hành, không để transistor Q1 quá nóng, Bạn nên gắn Q1 trên miếng nhôm làm nguôi.