Chữ chạy

"Con đường đến với tri thức không dễ dàng, nhưng nếu chúng ta quyết đi sẽ đến được bến bờ tri thức !". Chào mừng các bạn đến với trang thông tin của Võ Hoàng Tâm - GV Khoa Điện Điện tử - Trường Đại học SPKT Vĩnh Long. Trang cung cấp thông tin - tài liệu học tập cho các bạn học viên và sinh viên. Chúc các bạn thành công trên hành trình đi tìm tri thức ...

Những chiêu lừa đảo ngân hàng và cách phòng tránh

Dạo gần đây, tình trạng lừa đảo tiền chiếm đoạt tài sản qua thẻ ATM và tài khoản ngân hàng đang ngày càng gia tăng. Làm thế nào để nhận biết và ngăn chặn các vấn đề trên?


 Một số chiêu thức lừa đảo tài khoản ngân hàng

Trong thời gian gần đây, nhiều ngân hàng tại Việt Nam đã ghi nhận được một vài trường hợp giao dịch giả mạo bằng nhiều chiêu thức khác nhau. Do đó, để bảo vệ thông tin và tài sản cá nhân, phòng tránh và hạn chế tối đa rủi ro có thể xảy ra, người dùng nên tham khảo các chiêu thức lừa đảo hiện nay và một số lưu ý khi sử dụng dịch vụ: 

- Giả mạo cán bộ ngân hàng gọi điện/nhắn tin cho người dùng, thông báo có tiền chuyển nhầm đến tài khoản và yêu cầu bạn cung cấp thông tin gồm tên đăng nhập, mật khẩu và mã OTP để nhận tiền hoặc nhận khuyến mãi/quà tặng…
- Gửi email cảnh báo giả mạo với nội dung tài khoản của bạn đã bị xâm nhập hoặc sắp hết hiệu lực, yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân để xác nhận lại bằng cách nhấp vào đường link độc hại bên dưới. 

- Giả mạo người thân của bạn, gửi tin nhắn thông báo có tiền chuyển từ nước ngoài về hoặc nhờ mua card, mượn tiền... và yêu cầu cung cấp thông tin để nhận. 

- Cuộc gọi dưới danh nghĩa cơ quan điều tra, yêu cầu nộp tiền vào một tài khoản khác nhằm bảo lãnh, phục vụ việc điều tra.

- Giả mạo màn hình ứng dụng, màn hình đăng nhập dịch vụ ngân hàng điện tử để đánh cắp thông tin.
 Để tránh bị mất tiền ngân hàng oan uổng

- Tuyệt đối không cung cấp bất kỳ thông tin bảo mật dịch vụ như tên đăng nhập, mật khẩu, mã xác thực OTP, mã kích hoạt Smart OTP, địa chỉ email và thông tin cá nhân cho bất kỳ ai và dưới bất kỳ hình thức nào. Nếu phía liên lạc là ngân hàng, họ sẽ không bao giờ yêu cầu những thông tin này mà chỉ kiểm tra một số thông tin cá nhân để xác thực.

- Chủ động bảo vệ thiết bị cá nhân (smartphone, laptop…), thường xuyên thay đổi mật khẩu truy cập dịch vụ ngân hàng điện tử và email cá nhân.

- Chỉ thực hiện việc đăng nhập tại website chính thức của ngân hàng, mua sắm, thanh toán trực tuyến tại các trang mạng uy tín và hãy nhìn kỹ địa chỉ trang web trước khi giao dịch. 
- Không chụp ảnh mặt thẻ, thông tin thẻ/mã OTP để mua hàng tại các đơn vị không rõ nguồn gốc.

- Cẩn trọng với những khuyến mãi hoặc quảng cáo qua email, tuyệt đối không truy cập vào các trang mạng bán hàng/thanh toán trực tuyến bằng các liên kết được gửi kèm, thay vào đó bạn nên nhập chính xác địa chỉ trang trên thanh địa chỉ. Bởi các trang giả mạo thường có giao diện giống hệt với trang “chính chủ” khiến không ít người lầm tưởng và bị mất thông tin. 

- Cài đặt thêm các phần mềm Antivirus, chống keylogger trên máy tính và các thiết bị di động, đồng thời liên tục cập nhật cơ sở dữ liệu.

Một số khuyến cáo khác khi sử dụng thẻ ATM, thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ

- Tạo thói quen rà soát lịch sử giao dịch hoặc sao kê định kỳ, kiểm tra nguồn gốc của những giao dịch nhỏ nhất, bởi tội phạm mạng thường có xu hướng thử các giao dịch nhỏ để kiểm tra tình trạng hoạt động của thẻ. 

- Lưu sẵn số đường dây nóng của ngân hàng vào danh bạ để chủ động liên hệ trong trường hợp bị mất/thất lạc thẻ.

- Khi thanh toán thẻ trực tiếp tại các cửa hàng, siêu thị, phải luôn giữ thẻ trong tầm mắt để tránh việc thông tin thẻ có thể bị chụp trộm hoặc đánh cắp.

- Không chia sẻ mã OTP cho bất kỳ ai, đây là mã số bảo mật dành cho cá nhân chủ thẻ để hoàn tất các giao dịch thẻ hoặc tài khoản.

- Đảm bảo rằng không có thiết bị lạ được gắn quanh khe cắm thẻ/màn hình và trên bàn phím của trụ ATM.

- Nên thực hiện việc rút tiền tại các trụ ATM ở ngân hàng.

Nếu cảm thấy hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ bài viết để nhiều người cùng biết hoặc để lại bình luận khi gặp rắc rối trong quá trình sử dụng.

Theo Kynguyenso